Theo Pháp lệnh Chi phí Tố tụng, từ 1/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là 700.000 đồng/người/ngày. Việc chi trả do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Pháp lệnh số 05/2024/UBTVQH15 về Chi phí tố tụng. Pháp lệnh này chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Pháp lệnh gồm 5 Chương, 73 Điều, trong đó quy định về mức chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân.
Bào chữa viên nhân dân là ai?
Theo Pháp lệnh số 05, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là 700.000 đồng/người/ngày bao gồm chi phí đi lại, chi phí thuê phòng nghỉ, phụ cấp lưu trú, và chi phí khác.
Tại Điều 49 Pháp lệnh 05 về xác định chi phí cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân trong trường hợp chỉ định người bào chữa nêu rõ: Chi phí cho người bào chữa là luật sư do tổ chức hành nghề luật sư cử được xác định theo quy định của pháp luật về luật sư; chi phí cho người bào chữa là trợ giúp viên pháp lý, luật sư do Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử được xác định theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý;
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định người bào chữa có trách nhiệm chi trả chi phí cho người bào chữa là luật sư do tổ chức hành nghề luật sư cử; bào chữa viên nhân dân do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử.
Ngoài ra, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có trách nhiệm chi trả chi phí cho người bào chữa là trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa trong trường hợp Trung tâm này cử người bào chữa.
Được biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, “Bào chữa viên nhân dân” là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức pháp lý, đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.
Tại khoản 4 điều 75 BLTTHS năm 2015 nêu: Người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận từ huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương trở lên cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.
Phụ cấp xét xử cho Hội thẩm tăng gấp 10 lần
Bên cạnh đó, Pháp lệnh 05 cũng quy định mức chi phí thù lao cho người được mời tham gia xem xét, thẩm định tại chỗ, xem xét tại chỗ là là 200.000 đồng/người/ngày; người làm chứng, người chứng kiến là 200.000 đồng/người/ngày ; người tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc, vụ án là là 200.000 đồng/người/ngày.
Đáng chú ý, mức phụ cấp xét xử đối với Hội thẩm là 900.000 đồng/người/ngày, tăng gấp 10 lần so với mức chi hiện nay. Trước đó, Hội thẩm được hưởng chế độ bồi dưỡng là 90.000 đồng/người/ngày.
Phụ cấp xét xử là khoản tiền được chi trả cho hội thẩm khi thực hiện nhiệm vụ xét xử. Khoản phụ cấp này được tính theo ngày thực tế tham gia phiên tòa, nghiên cứu hồ sơ, được tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử xác nhận.
Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử có trách nhiệm chi trả chi phí cho hội thẩm.
Ngoài phụ cấp xét xử, Hội thẩm còn được hưởng một hoặc một số chi phí gồm chi phí đi lại; chi phí thuê phòng nghỉ; phụ cấp lưu trú và chi phí khác.