Tranh cãi xung quanh quy định buộc thôi học nếu xúc phạm cá nhân, tổ chức trên mạng

Nguyễn Kim Cương| 17/04/2016 13:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vừa qua, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT, về quy chế công tác sinh viên, trong đó có quy định, sinh viên không được “đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh dung tục...xúc phạm uy tín tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân trên mạng”.

Buộc thôi học nếu xúc phạm cá nhân, tổ chức trên mạng

Theo đó, khi sinh viên vi phạm “tùy theo mức độ, xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học. Nếu nghiêm trọng, giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”. 

Nhiều chuyên gia nhận định, trước “vòng xoáy của văn hóa tốc độ”, trước những cơn “bão mạng” đang xâm nhập và trở thành một phần cuộc sống của đa số sinh viên hiện nay thì quy định đó của Bộ GD&ĐT là hợp lý, phù hợp với thực tế hiện tại khi mà mạng xã hội, ngoài mục đích giải trí thì nó đang bị biến thành công cụ để các sinh viên bêu xấu nhau, sỉ vả nhau mỗi khi tức giận. Hoặc từ mạng xã hội, các sinh viên sẽ dễ bị lôi kéo vào các tổ chức phản động, vô tình trở thành các phần tử xấu khi đăng tải các hình ảnh có nội dung tiêu cực, ảnh hưởng người khác, bất lợi cho nền an ninh quốc gia.

Đứng trước quy định đó, nhiều sinh viên cũng tỏ ra khá lo ngại, bởi họ quan niệm, lên mạng xã hội là để giải trí “chém gió”. Trong lúc nóng giận, không kiềm chế được thì vô tình nói bậy, xúc phạm bạn mình, hoặc do thiếu hiểu biết pháp luật mà chia sẻ những bài có nội dung không lành mạnh…nếu bị thôi học trong trường hợp này thì quá nghiêm khắc với sinh viên.

Tranh cãi xung quanh quy định buộc thôi học nếu xúc phạm cá nhân, tổ chức trên mạng

Bạn Vũ Thị Ngọc Lan sinh viên Đại học Luật Hà Nội

Bạn Vũ Thị Ngọc Lan (SN 1995, sinh viên k38, lớp 17, Đại học Luật Hà Nội) chia sẻ: “Tôi ủng hộ quan điểm của Bộ GD&ĐT, nên có biện pháp răn đe để bảo vệ đời tư, nhân phẩm, danh dự của người khác. Tuy nhiên, với một sinh viên, hình thức đuổi học là quá nặng đối với họ, bởi nhiều khi họ là niềm tự hào, là tia hi vọng của cả gia đình. Khó khăn, chật vật và phải phấn đấu lắm họ mới thi đậu vào đại học, nên tôi nghĩ dù gì cũng không nên dập tắt tia hi vọng đó, đánh mất tương lai một con người. Hơn nữa, khi đưa ra quy định đó, Bộ GD&ĐT, cần giải thích rõ, thế nào là hình ảnh dung tục, thế nào là xúc phạm người khác trên mạng xã hội, để mọi người cùng hiểu, sau này có cơ sở dễ dàng để xử lý, giúp sinh viên cũng hiểu để tránh, tâm phục khẩu phục khi bị phạt”.

Bạn Trương Thị Huyền (Sinh viên) cho rằng: “Quy định của Bộ có những mặt được và chưa được. Quy định đó nhằm bảo vệ được danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức, nâng cao được ý thức của người trẻ khi dùng mạng xã hội. Tuy nhiên, hình thức đuổi học một sinh viên nếu họ vi phạm quy định trên là quá nặng, quyết định đó sẽ hướng sinh viên đến ngã rẽ tiêu cực. Trước cú sốc lớn như vậy, họ dễ dàng bị cám dỗ, dính vào các tệ nạn xã hội. Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển mạnh, khi ra quy định đó, cũng cần tính đến việc người đó bị hack nick, trộm nick, mượn danh…dẫn đến việc xử lý nhầm đối tượng. Vì thế, mong Bộ GD&ĐT, xem xét lại trước khi áp dụng điều luật này vào thực tế”.

Những tranh luận trái chiều

Theo Luật gia Vũ Văn Nhất – Giám đốc công ty TNHH Vũ Gia Luật (Hà Nội) cho biết: “ Pháp luật muốn được hoàn thiện, cần sự chung tay, góp sức của toàn dân, nhất là sự phát triển thêm của các bộ, ban, ngành. Việc Bộ GD&ĐT quy định như trên tôi cho rằng rất phù hợp với thời điểm hiện tại. Nếu việc xúc phạm người khác, bôi nhọ người khác cứ bị thả nổi, không có biện pháp kiềm chế sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Đây là một quy định răn đe nghiêm khắc, có tính giáo dục cao, nhằm hạn chế và tiến đến chấm dứt việc, sinh viên sử dụng mạng xã hội như một loại vũ khí để đánh nhau, dẫn đến những hậu quả đau lòng ngoài đời thực như: Chết người, thương tật, mất an ninh trật tự…. Theo tôi, tất cả những quy định, đều nhằm đánh vào ý thức của sinh viên, một khi đã hiểu rõ quy định, mà sinh viên vẫn cố tình vi phạm, thì hình thức xử lý trên là chính đáng”.

Tranh cãi xung quanh quy định buộc thôi học nếu xúc phạm cá nhân, tổ chức trên mạng

Mạng xã hội là thế giới ảo, nhưng gây hậu quả thật. Ảnh minh họa

Còn luật sư Trương Anh Dũng – Trưởng văn phòng luật sư Đại Phúc (Đoàn luật sư Hà Nội) lại cho rằn: "Hiện nay, chúng ta có rất nhiều điều luật quy định, điều chỉnh hành vi xúc phạm người khác.

Tại điều 37, Bộ luật Dân Sự 2005: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín là quyền nhân thân cơ bản của cá nhân được pháp luật bảo vệ”.

Điều 121, Bộ luật hình sự năm 1999: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.

Điều 21 Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình...”

Đa số bộ luật điều chỉnh đối với những công dân trên 18 tuổi, mà sinh viên là những người đã đủ 18 tuổi, đủ tuổi công dân, hoàn toàn có thể tự chịu trách nhiệm với những gì mình làm.

Do đó tôi nghĩ, nghành giáo dục chỉ nên dừng lại ở mức độ là giáo dục và thực hiện tốt chức năng đó. Còn chức năng xử lý vi phạm, hãy để những ban ngành có thẩm quyền điều chỉnh. Bởi mỗi người có quyền tự do ngôn luận riêng, sinh viên cũng vậy, nhà trường, thầy cô không thể vươn tới điều chỉnh sinh viên với những cái ngoài giảng đường”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh cãi xung quanh quy định buộc thôi học nếu xúc phạm cá nhân, tổ chức trên mạng