Bộ GD&ĐT dự kiến cách tính điểm ưu tiên mùa tuyển sinh 2023 sẽ có những thay đổi lớn. Việc điều chỉnh trên không chỉ giải quyết vấn đề có trường hợp thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, mà còn tạo sự công bằng ở nhóm điểm cao khi cạnh tranh vào các ngành và các trường hàng đầu.
Từ năm 2023, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục thay đổi cách tính điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học. Theo đó, dự kiến cách tính điểm ưu tiên với những thí sinh đạt tới tổng điểm 22,5 không có gì thay đổi trong điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng.
Nhưng với những thí sinh đạt từ 22,5 trở lên, điểm ưu tiên của các em sẽ được giảm dần đều. Đến khi điểm thi là 30 điểm thì điểm ưu tiên bằng 0.
Như vậy, đối với em đạt điểm càng cao, điểm ưu tiên càng giảm để tránh hiện tượng như những năm trước: có thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, hoặc trường hợp những thí sinh ở khu vực 3 có điểm chuẩn rất cao nhưng vẫn không trúng tuyển do sự cạnh tranh ở những ngành có điểm trúng tuyển cao là rất lớn.
Theo lý giải của Bộ GD&ĐT thì việc điều chỉnh trên không chỉ giải quyết vấn đề có trường hợp thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, mà còn tạo sự công bằng ở nhóm điểm cao khi cạnh tranh vào các ngành và các trường hàng đầu.
Phổ điểm kết quả xét tuyển các năm vừa qua cho thấy, điểm xét tuyển của thí sinh trước và sau khi được cộng điểm ưu tiên có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt là từ mức điểm lớn hơn 22,5 điểm (mức 22,5 điểm ở đây tương đương với 7,5 điểm nếu quy ra mức thang điểm 10 thông thường).
Theo đó, khi chưa được cộng điểm ưu tiên thì nhóm thí sinh ở KV1, KV2, KV2-NT có điểm trung bình thấp hơn nhóm không được cộng điểm ưu tiên (KV3).
Nhưng khi được cộng điểm ưu tiên thì điểm trung bình của nhóm được cộng điểm ưu tiên lại lớn hơn (thậm chí tỉ lệ lớn gấp nhiều lần) so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên.
Kết quả phân tích quá trình học tập của 2 nhóm thí sinh này trong trường đại học cho thấy: nhóm sinh viên trúng tuyển do được cộng điểm ưu tiên có kết quả học tập thấp hơn so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên.
Như vậy, có sự không công bằng giữa 2 nhóm đối tượng thí sinh trên và các trường; đặc biệt là các trường tốp đầu với các ngành hàng đầu, cũng không lựa chọn được các thí sinh có thực lực tốt để đào tạo.
Nhóm thí sinh bị yếu thế, bất lợi, không được hưởng sự công bằng chính là nhóm ở KV3, khi xét tuyển vào các trường và ngành hàng đầu.
Cũng theo thống kê, ở nhiều ngành có mức độ cạnh tranh cao thì tỉ lệ thí sinh không được cộng ưu tiên trúng tuyển rất thấp, trong khi nhóm này có thực lực học tốt hơn nhóm được cộng điểm ưu tiên.
Trước dự kiến thay đổi cách tính điểm ưu tiên như trên, có ý kiến cho rằng nên bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực khi xét tuyển đại học.
Ở các trường top trên, thí sinh đậu hay trượt chỉ cách nhau 0,1-0,2 điểm; trong khi điểm cộng khu vực tối đa là 0,75. Vì vậy Bộ GD&ĐT có thể hỗ trợ thí sinh ở khu vực khó khăn bằng nhiều chính sách khác.
Thực tế, Bộ GD&ĐT đã có những điều chỉnh về điểm ưu tiên khu vực nhiều năm qua nhưng còn nhiều bất cập. Ví dụ ở các thành phố lớn, có những học sinh đạt tới 28-29 điểm ba môn xét tuyển nhưng vẫn bị trượt nguyện vọng cao nhất do kém bạn khác về điểm ưu tiên.
Trước năm 2003, thí sinh được cộng nhiều nhất 3 điểm ưu tiên khu vực. Từ năm 2004 đến 2017, tối đa là 1,5 điểm. Và từ 2018, điểm ưu tiên khu vực cao nhất là 0,75 .
Mức độ ưu tiên giảm theo thời gian nhưng việc xác định nhóm ưu tiên là chưa hợp lý.
Nhiều chuyên gia cho rằng mùa tuyển sinh tới, chưa cần bỏ quy định cộng điểm ưu tiên khu vực nhưng cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng. Theo đó, khu vực được xếp loại ưu tiên cần được rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cập nhật thường xuyên để sát thực tế hơn.