Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam, góp phần đề cao của chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, chung tay, chúng sức đồng lòng, vì một Trái đất yên bình và xanh, vì một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, không để ai lại phía sau, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Sáng 17/9, tại điểm cầu Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển".
Cùng dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành.
Hội nghị kết nối đến các điểm cầu địa phương trên cả nước và 80 điểm cầu của doanh nghiệp nước ngoài ở trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian chia sẻ về các yếu tố nền tảng với sự phát triển của Việt Nam.
Theo đó, sau hơn 35 năm đổi mới, với 3 trụ cột đổi mới (xóa quan liêu bao cấp; thực hiện đa sở hữu; và hội nhập), Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, quy mô GDP tăng từ khoảng 4 tỷ USD lên khoảng 400 tỷ USD trong năm nay. Trong thời kỳ quá độ, Việt Nam thực hiện 3 trụ cột gồm xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (phát huy tối đa nguồn lực con người, tinh thần đại đoàn kết, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại); xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân (mọi chính sách đều hướng tới người dân và mọi người dân phải tham gia xây dựng, thực hiện chính sách); xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (tôn trọng các quy luật của thị trường nhưng có sự can thiệp của nhà nước khi cần thiết).
Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát huy tối đa năng lực, trí tuệ, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam.
Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu những tác động từ bên ngoài, gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nội lực và ngoại lực, lấy nội lực (con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực (vốn, công nghệ, quản trị, nhân lực, góp phần hoàn thiện thể chế) là quan trọng và đột phá. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam đã triển khai các vấn đề nền tảng nói trên một cách linh hoạt, uyển chuyển, vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật, vừa mang tính chính trị vừa mang tính xã hội, nhất là trong những lúc khó khăn, thách thức.
Trong hơn hai năm qua, tình hình diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ; dịch bệnh COVID-19 bùng phát và kéo dài; cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước, xung đột tại Ukraine xảy ra; giá xăng dầu và các nguyên liệu đầu vào biến động mạnh, lạm phát tăng cao, chuỗi cung ứng đứt gãy, rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công và nguy cơ suy thoái kinh tế tiếp tục tăng; các vấn đề an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp; chính sách kinh tế vĩ mô của nhiều nước thay đổi mạnh hoặc có cách thức ứng phó với đại dịch COVID-19 khác nhau; các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị tác động mạnh và thu hẹp…
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã nhất quán chỉ đạo triển khai hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, duy trì một mặt bằng tỉ giá, lãi suất hợp lý… với tư duy: Tìm kiếm ổn định trong sự bất định; giữ chủ động trong thế bị động; giữ được sự kiên định, nhất quán trong bối cảnh chuyển đổi và xáo trộn; kiểm soát rủi ro trong nền kinh tế thị trường với đặc tính là có khủng hoảng, suy thoái; xây dựng phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế quốc tế.
Trong 8 tháng qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhìn chung có lạm phát cao và tăng trưởng thấp, thì Việt Nam đạt được những kết quả khá tích cực, lạm phát được kiểm soát và tăng trưởng có xu hướng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Thời gian tới, nếu không có biến động lớn thì tăng trưởng GDP quý III sẽ cao hơn quý II và cả năm có thể đạt mức khoảng 7%. Quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đối ngoại và hội nhập được thúc đẩy, mở rộng phù hợp tình hình. Đời sống nhân dân được cải thiện, nâng lên về tinh thần và vật chất. Các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về tình hình và triển vọng của Việt Nam, Nikkei đánh giá chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam xếp thứ 2 toàn cầu.
Những kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả của bạn bè quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam nhất quán và khẳng định quan điểm coi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động.
Thời gian qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Thủ tướng bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn sự đồng hành và đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, chia sẻ với những nhà đầu tư gặp khó khăn do tình hình trong nước và thế giới. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, chân thành lắng nghe, chia sẻ và nỗ lực giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài.
"Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam, góp phần đề cao của chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, chung tay, chúng sức đồng lòng, vì một Trái đất yên bình và xanh, vì một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, không để ai lại phía sau", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị phát biểu trên tinh thần thẳng thắn, chân thành, cởi mở, để hội nghị đạt nhiều kết quả theo tinh thần các bên sẽ hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn và cùng thắng, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".