Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 6 tháng vừa qua, có 3.000 DN tuyên bố ngừng hoạt động và giải thể. Khảo sát của VCCI cho thấy, trong 7 tháng qua, phần lớn các DN lớn đều hoạt động cầm chừng. Kiềm chế lạm phát và làm thế nào để hạn chế tình trạng đình đốn sản xuất là một bài toán cần lời giải.
6 tháng qua có đến 3000 DN tuyên bố ngừng hoạt động và giải thể
Các DN cho biết, cùng với sự tăng giá của xăng, dầu, việc tăng lương tối thiểu từ 1-5-2011 đã làm chi phí lương đã tăng lên 40%, chưa kể việc tăng lương tối thiểu sẽ áp dụng từ 1-10 sắp tới. Tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm đã có 35 cuộc đình công. Nguyên nhân được cho là do lạm phát tăng cao đã phát sinh xung đột quyền lợi giữa chủ DN và người lao động.
Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê thì có tới 2/3 trong số 136 mặt hàng có lượng tồn kho cao hơn so với cùng kỳ năm trước: Đồ gỗ tồn kho 92,4%; đồ uống không cồn: 84,4%; cáp và dây điện: 73,5%; sản xuất bia: 71,6%; giày dép: 40%; sợi và dệt vải: 34%. Ngoài ra, chi phí lãi vay quá cao (trên 22%/năm) đã làm đội giá thành sản xuất trong khi giá bán không tăng tương ứng do sức mua giảm sút.
Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, phải chi thêm 1.000 tỷ đồng do phải tăng tiền lương cho người lao động. Ngành dệt may đã xây dựng chiến lược phát triển ngành dệt may đến 2020; trong đó, đến 2015 đạt doanh số xuất khẩu 20 tỷ USD, tỷ lệ nội địa hóa đạt 60%, nhưng vốn đầu tư thì không có. Lạm phát đã làm cho tỷ trọng chi phí lãi vay tăng khá lớn ngoài một số chi phí khác buộc phải tăng như: tiền lương tăng tới 25%. Giá đầu vào tăng trung bình 10% nhưng giá đầu ra chỉ tăng được 5%-7%.
Nhiều chuyên gia nhận định, nếu Chính phủ không kịp thời tháo gỡ ách tắc trong điều hành chính sách tiền tệ, giảm quy mô tài khóa, khôi phục lại thị trường vốn, tăng sức mua... thì nền kinh tế đang có nguy cơ vừa đình đốn sản xuất vừa lạm phát trì trệ. Nhiều DN kiến nghị, việc Nhà nước chủ trương thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát là cần thiết, nhưng thắt chặt như thế nào, độ dài đến đâu cho phù hợp và linh hoạt, chứ không phải thắt chặt là giải pháp duy nhất. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, nếu Ngân hàng Nhà nước không tham mưu cho Chính phủ có chính sách tiền tệ hợp lý thì DN sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn. Ngân hàng Nhà nước phải có chính sách tỷ giá tương đối ổn định. Chính sách quản lý giá và chính sách hỗ trợ cho DN trực tiếp sản xuất sản phẩm, nhu yếu phẩm phải đồng hành với nhau.
Xuất phát từ thực tế này, VCCI kiến nghị, việc tăng giá nguyên liệu đầu vào như điện, xăng dầu, lương phải thích hợp và có lộ trình để DN chuẩn bị, tránh gây sốc chi phí cho DN. Bên cạnh đó, không nên cào bằng trong việc ngưng cấp tín dụng. Cần triển khai nhanh các chương trình tín dụng, kể cả chương trình tín dụng vay ODA cho các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Phải đẩy nhanh hệ thống đánh giá tín nhiệm DN một cách độc lập để DN tiếp cận vốn tốt hơn. Trước đây, Nhà nước vẫn hỗ trợ DN bằng thuế nhưng đó không phải là giải pháp căn cơ vì nhiều DN cho rằng không có lãi thì giảm thuế cung chẳng có tác dụng. Bởi vậy, cần thay đổi cách làm bằng cách hỗ trợ kỹ thuật cho các DN lớn, để họ làm đầu tàu dẫn dắt các DN nhỏ.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết: Hiện có rất nhiều khó khăn đối với điều hành chính sách tiền tệ trong những tháng còn lại của năm, kể cả năm 2012. Chính phủ vừa có Chỉ thị số 922 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó định hướng điều hành chính sách tiền tệ theo hướng: chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt, khác với Nghị quyết 11 là chỉ thị này có thêm từ “linh hoạt”. Đó cũng là mong muốn của cộng đồng DN để những khó khăn về vốn, dần được khắc phục.
Trong tháng 10-2011, Hội nghị Trung ương 3 sẽ họp bàn về vấn đề kinh tế - xã hội năm 2011, phương hướng năm 2012 và phương hướng hoạt động kinh tế - xã hội 5 năm tới. Những ý kiến hợp lý của các chuyên gia và DN sẽ được tổng hợp để trình lên các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Trung Linh