Thực tế này cho thấy tư duy yêu cầu cung cấp chứng từ, thông tin dư thừa vẫn tồn tại trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật.
Tại buổi họp báo chuyên đề Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại do Bộ Tài chính vừa tổ chức, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, việc thực hiện các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia chính thức được triển khai từ tháng 11/2014. Tính đến tháng 6/2018 đã có 11 bộ, ngành kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,26 triệu hồ sơ của 22 nghìn doanh nghiệp được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Dự kiến đến cuối năm nay sẽ triển khai thêm 143 thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số lên 196 thủ tục, đạt 78% trên tổng cộng 251 thủ tục sẽ được triển khai đến năm 2020 theo rà soát mới nhất của các bộ, ngành.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia tạo được lòng tin và quyết tâm chính trị cao đối với lãnh đạo các cấp. Cộng đồng doanh nghiệp có phản ứng rất tích cực đối với sự thay đổi từ phía các cơ quan Chính phủ, đồng thời mong muốn Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ, mở rộng phạm vi triển khai Cơ chế một cửa quốc gia.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ, xuống còn 55 giờ; đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ xuống còn 56 giờ. Chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD. Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu.
Những kết quả trên phản ánh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan thuộc Chính phủ trong lĩnh vực giao lưu hàng hóa qua biên giới. Tuy vậy, chính Bộ Tài chính thừa nhận kết quả triển khai Cơ chế một cửa quốc gia còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra. So với yêu cầu tại Quyết định số 2185/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng, số lượng thủ tục triển khai còn thấp, mới chỉ đạt 53/283 thủ tục.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp và cơ quan khảo sát độc lập, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất vì khi thực hiện một số thủ tục thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, tình trạng các doanh nghiệp được yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy còn diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan; mức độ tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, hài hòa hóa quy trình thủ tục còn thấp. Thực tế này cho thấy tư duy yêu cầu cung cấp chứng từ, thông tin dư thừa vẫn tồn tại trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật.
Bên cạnh đó, năng lực chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ trong thực hiện thủ tục hành chính còn yếu. Cơ chế một cửa quốc gia đang nhằm vào mục tiêu giải quyết trực tiếp thủ tục hành chính phục vụ cho khâu thông quan mà chưa chú trọng nhiều đến việc chia sẻ thông tin phục vụ quản lý nhà nước cũng như điều hành của các cơ quan chính phủ. Hệ thống công nghệ thông tin cũng chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu và khối lượng công việc phải xử lý.
Mục tiêu Bộ Tài chính đặt ra là đến hết năm 2019, triển khai các thủ tục hành chính có số lượng giao dịch nhiều, tác động lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đạt ít nhất 80% trên tổng số các thủ tục hành chính của các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia.
Đến hết năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các bộ, ngành và 100% các thủ tục hành chính thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử. Các chuyên gia cho rằng, những mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi có những giải pháp đột phá, đặc biệt là sự thay đổi tư duy xin- cho vẫn đang tồn tại trong các cơ quan quản lý.