Thành bại đổi mới giáo dục phụ thuộc rất lớn vào các thầy cô

Thảo Nguyên| 10/01/2019 06:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới ngày 9/1.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, định hướng tiếp cận của Chương trình GDPT mới là phát triển năng lực thay vì nội dung, cách tiếp cận rất công phu bài bản, mang tính quốc tế, đi vào từng môn học. Chương trình sẽ kế thừa những gì chương trình cũ còn tốt và sẽ chỉnh sửa, bổ sung những bất cập, bổ sung để phù hợp với xu thế quốc tế.

Theo Bộ trưởng Nhạ, chương trình dù hay nhưng nếu người triển khai chương trình không được đào tạo, tập huấn bài bản thì cũng không thể phát huy hiệu quả. Vì thế thành bại của chương trình phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhà giáo, những người sẽ thực hiện chương trình.

Nhận định đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định đến sự thành công của Chương trình GDPT mới. Do đó, Bộ Giáo dục & Đào tạo đặt ra 2 nhiệm vụ trong thời gian tới, cụ thể: Công tác hướng dẫn, đào tạo bồi dưỡng để giải quyết yêu cầu của đội ngũ nhà giáo; Chuẩn bị về cơ sở vật chất để thực hiện chương trình.

Thành bại đổi mới giáo dục phụ thuộc rất lớn vào các thầy cô

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Rút kinh nghiệm từ những lần đổi mới trước, lần này Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ liên quan chuẩn bị đội ngũ nhà giáo cũng như cơ sở vật chất giảng dạy, những yếu tố này đang được triển khai ở các mức độ khác nhau. “Thành công phụ thuộc rất nhiều vào sự nhịp nhàng phối hợp giữa các bên liên quan”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tiếp tục nhấn mạnh về vai trò của giáo viên, ông Nhạ chia sẻ: “Tôi vẫn cứ suy nghĩ rằng thành bại là do các thầy các cô. Tôi rất trăn trở về điều này. Chúng ta có gần 1,2 triệu giáo viên đứng lớp, đây là lực lượng rất lớn, ngày đêm tâm huyết. Gần đây cũng có một số thầy cô, tuy chỉ là cá biệt nhưng ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư nguyện vọng của các giáo viên và uy tín của ngành.”

Tư lệnh ngành Giáo dục cho rằng, cần phải có nhiều giải pháp để tạo động lực cho các thầy cô đổi mới.

Việc đầu tiên nhằm tạo động lực cho đội ngũ là vấn đề giảm áp lực cho giáo viên bằng giảm gánh nặng hành chính, sổ sách - một trong những biện pháp là ứng dụng công nghệ thông tin; cắt giảm những thủ tục không cần thiết; rà soát đăng ký thi đua trên cơ sở thiết thực…

Đề nghị lãnh đạo địa phương chỉ đạo sở ngành, hiệu trưởng nhà trường thực hiện nghiêm túc việc này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây sẽ làm kiên quyết, có chế tài kiểm tra, thanh tra, để các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tăng cường kĩ năng quản trị nhà trường, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo môi trường thân thiện, đổi mới, tránh gây bức xúc, dồn nén cho thầy cô.

Bộ trưởng cũng nhắc tới động lực liên quan đến thang bảng lương. Theo Bộ trưởng, muốn giáo dục có nền tảng tốt thì phải có thầy cô tốt, muốn có thầy cô tốt phải nhìn vào điều kiện làm việc, phải tạo động lực cho thầy cô. Cùng với chế độ lương là rà soát môi trường giáo dục tốt nhất cho giáo viên.

Bộ trưởng Bộ Gíao dục & Đào tạo nhấn mạnh, thời gian tới toàn ngành phải tạo điều kiện tốt để khuyến khích các thầy cô phát triển, bên cạnh đó cũng phải có những chế tài để những ai không đáp ứng được cũng phải có cách xử lý. Tránh tình trạng để một số người, một số nhóm nhỏ làm ảnh hưởng đến uy tín khiến nhiều giáo viên rơi vào tình trạng áp lực, băn khoăn với nghề.

Thành bại đổi mới giáo dục phụ thuộc rất lớn vào các thầy cô

Giáo viên quyết định thành bại của Chương trình GDPT mới. Ảnh minh họa

Chia sẻ về chương trình GDPT mới, Tổng chủ biên chương trình GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay, ở chương trình GDPT mới đã trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục. Qua đó góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.

Với chương trình mới, học sinh được giảm tải số môn học, tiết học, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tránh áp đặt, một chiều… Trong quá trình dạy học giáo viên không còn là người truyền thụ đơn thuần mà còn phải tổ chức hoạt động để học sinh lĩnh hội, vận dụng kiến thức đó vào thực tế. 

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết để thực hiện giảm tải của chương trình giáo dục phổ thông mới cần giải quyết câu chuyện khắc phục dạy, học thêm, giảm áp lực học tập từ chính cha mẹ để học sinh bớt căng thẳng hơn.

Chương trình GDPT mới sẽ tiếp tục được nghiên cứu và điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành bại đổi mới giáo dục phụ thuộc rất lớn vào các thầy cô