Tư vấn pháp luật

Sử dụng bằng cấp giả bị xử lý thế nào?

Việt An 22/10/2024 - 17:11

Thực trạng sử dụng bằng cấp giả hiện nay diễn ra ngày càng phổ biến, không ít vụ việc đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Gần đây nhất là vụ việc sử dụng bằng cấp ba bổ túc văn hóa không hợp pháp khiến dư luận xôn xao.

Học bổ túc văn hóa cấp 3 là một hình thức giáo dục phụ trợ nhằm cung cấp cơ hội học tập và nâng cao trình độ cho các học sinh sau khi hoàn thành chương trình giáo dục cơ bản.

Mục đích chính của học bổ túc là cung cấp cho học sinh một cơ hội để nắm vững kiến thức căn bản và đạt được tiêu chuẩn giáo dục quốc gia. Một trong những lợi ích chính của học bổ túc là linh hoạt về thời gian học.

Với quy định hiện tại, bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông từ cả hệ giáo dục bổ túc và hệ giáo dục chính quy đều có giá trị tương đương và được công nhận. Điều này đảm bảo sự công bằng và bình đẳng cho tất cả các học sinh, bất kể họ học tại trường bổ túc hay trường phổ thông thông thường.

Vậy việc sử dụng bằng cấp giả, trong đó có bằng bổ túc bị xử lý thế nào là một trong những vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm.

luat-su-nguyen-van-dong.jpg
Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) phân tích, tại khoản 3 Điều 20 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT quy định người học sử dụng hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ giả làm điều kiện trúng tuyển hoặc điều kiện tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học; văn bằng tốt nghiệp nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ.

Còn tại điểm a khoản 3 Điều 16 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ, ban hành kèm theo Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT quy định học viên vi phạm một trong các quy định sau đây sẽ bị buộc thôi học; bằng thạc sĩ nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định của Bộ GDĐT, nếu có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, bảo vệ luận văn, đề án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ.

Tại điểm b khoản 5 Điều 21 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, ban hành kèm theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT quy định nếu nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ, việc thu hồi bằng được thực hiện theo quy định hiện hành và trong những trường hợp hồ sơ quá trình đào tạo được xác nhận có vi phạm, sai sót nghiêm trọng dẫn đến người được cấp bằng không còn bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện dự tuyển, công nhận nghiên cứu sinh và duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng trong quá trình học tập và nghiên cứu tại cơ sở đào tạo.

“Trường hợp đã sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả để học cao hơn là bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ thì các bằng cấp này vẫn sẽ bị thu hồi theo quy định trên. Ngoài ra, Cơ quan chức năng cũng sẽ điều tra, xác minh hành vi sử dụng văn bằng giả để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật”, luật sư Đồng nêu ý kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng bằng cấp giả bị xử lý thế nào?