Nhiều phụ huynh dùng smartphone để dỗ dành, hoặc vật để thay thế bố mẹ chơi cùng trẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều này khiến trẻ bị rối nhiễu tâm lý, nhầm lẫn giữa cuộc sống thực và ảo thậm chí có nguy cơ bản năng thay thế cho ý thức.
Khi trẻ khóc các bậc phụ huynh trẻ thời nay thường rút điện thoại vào game cho chơi hoặc mở video ca nhạc cho con xem để nhún nhẩy theo nhạc mà ngừng khóc; trẻ không chịu ăn uống lại mang smartphone ra dọa ông "ba bị". Trên thực tế, có rất nhiều ông bố bà mẹ xem smartphone, Ipad là công cụ đắc lực trong việc trông con hiệu quả. Thậm chí, để trẻ ngồi hàng giờ đồng hồ với smartphone, Ipad. Điều này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ. PV Báo điện tử Công lý đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, bác sĩ về vấn đề này.
Nguy cơ bản năng thay thế cho ý thức
Theo GS.TS. Triết học Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, thành viên Hội đồng Lý luận T.Ư, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực, việc trẻ sử dụng công nghệ thông tin là một hiện tượng tự nhiên, tất yếu trong đời sống xã hội nhất là khi chúng ta đang ở trong kỉ nguyên công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, cần có cái nhìn toàn diện, đầy đủ về tác động của công nghệ thông tin. Về mặt tích cực, nó giúp con người nhanh chóng tiếp nhận thông tin, nâng cao sự hiểu biết. Từ đó nhanh chóng thích ứng với nhịp sống hiện đại.
GS.TS. Triết học Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, thành viên Hội đồng Lý luận T.Ư, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực. Ảnh Hữu Lan
Song, cần sớm nhận ra những hệ lụy của nó đối với đời sống con người nhất là sự phát triển trí tuệ và nhân cách của trẻ. Nếu đứa trẻ chỉ biết đến máy điện thoại thì cuộc sống sẽ trở nên đơn điệu, phiến diện. Từ đó, có thể trở thành “nô lệ” của smartphone, Ipad mà lẽ ra nó chỉ là một phương tiện thông tin.
Cũng theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, ở lứa tuổi này, một đứa trẻ chưa ý thức được việc lựa chọn những thông tin giá trị. Từ việc chơi game, xem nhạc, phim, hình ảnh kích thích về bạo lực… có thể dẫn đến việc lệch lạc nhân cách. Trước những thông tin xô bồ trên internet, con người ta có thể chết chìm trong thế giới thông tin nhưng vẫn luôn có cảm giác đói khát về trí tuệ. Ngay cả ở người trưởng thành, việc sàng lọc thông tin trước “bão” thông tin trên mạng xã hội đã là một thách thức chưa nói đến đứa trẻ.
Khi trẻ suốt ngày dán mắt vào smartphone, Ipad thì ngôn ngữ của trẻ cũng trở nên lệch lạc. Ngôn ngữ ở đây là tiếng nói và chữ viết dùng để diễn đạt tư tưởng. Hiện nay, sự trong sáng của Tiếng Việt đang giảm sút bởi ngôn ngữ thời @ của tuổi teen. Người trẻ sử dụng từ ngữ diễn đạt thô, không có tính chất biểu cảm. Không chỉ vậy, văn hóa đọc cũng bị ảnh hưởng. Văn hóa đọc được hiểu là đọc sách, đọc văn bản, tác phẩm văn học nghệ thuật… ngày càng ít đi. Thay vào đó, trẻ hình thành văn hóa đọc trên mạng với những thông tin thật giả lẫn lộn, không chính thống. Những hình ảnh bạo lực, cảm giác mạnh, kích động xuất hiện trên màn hình điện thoại, trẻ em có thể phạm tội một cách vô thức, thậm chí có nguy cơ bản năng thay thế cho ý thức.
Rối nhiễu tâm lý do nhầm lẫn giữa cuộc sống ảo và thực
Có thể nói, những hình ảnh đồ chơi điện tử, vô tuyến cho dù có mô phỏng cuộc sống giống “y như thật” chăng nữa thì cũng chỉ là những hình ảnh ảo. Ngay cả những chương trình có tính tương tác thì đó cũng không phải là thực. Nếu cha mẹ để trẻ xem nhiều có nguy cơ nhầm lẫn giữa thế giới ảo và thực, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho hay.
Cho nên, khi đi ra cuộc sống thực trẻ không biết giao tiếp trong cuộc sống thực. Từ đó, có những ảnh hưởng gây rối loạn tâm lý, sức khỏe tâm thần của trẻ. Trong quá trình làm nghề, chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp trẻ bị rối loạn tự kỷ, tăng động rất nhiều. Và có cả những rối loạn không quy vào bệnh gì mà được gọi chung là rối loạn tâm lý. Đó là cái hại mà tôi cho là quan trọng nhất. Tuy nó không gây hại ngay để ta nhìn thấy được nhưng về sau những rối nhiễu tâm lý rất khó chữa.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh Hữu Lan
Trẻ mắc các bệnh về mắt nguyên nhân cũng do việc sử dụng smartphone, Ipad. Khi trẻ tập trung, căng mắt để nhìn vào màn hình điện thoại nhỏ với khoảng cách gần dẫn đến cận thị. Đó cũng là lý do nhiều trẻ bị cận thị khi đang còn ít tuổi và có nhiều lớp học gần như cả lớp phải đeo kính.
Tiếp đến, kỹ năng mềm của trẻ rất yếu trong khi xã hội hiện đại rất cần những con người có kĩ năng mềm. Đặc biệt, trẻ vận động ít đi, giao tiếp cơ thể cũng ít. Trẻ càng nhỏ tuổi thì sử dụng Smartphone, Ipad càng gây hại. Ở nước ngoài, người ta có lời khuyên thậm chí là quy định các trẻ tiểu học không được xem quá 2h mỗi ngày trong khi đó ở nước ta thời gian trẻ sử dụng điện thoại rất nhiều. Thậm chí, nhiều trẻ khi bố mẹ cho đi bãi biển để tắm cũng không thích bằng việc vứt cho một cái smartphone và ngồi ở nhà, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
Có điều, điện thoại thông minh ngày càng dễ sử dụng. Khi ta ngồi vào màn hình máy tính cần 10 ngón tay để sử dụng, smartphone cần 2 ngón tay trong khi đó các trẻ chỉ có ngón tay trỏ. Nhiều nơi người ta còn cho trẻ tập chụm 5 ngón tay vào nhặt một viên bi để tăng độ khéo léo nên sử dụng smartphone làm giảm tính khéo léo, tinh tế của trẻ. Với những trẻ này, về sau học viết rất khó và chữ sẽ xấu. Thậm chí, trẻ nghĩ rằng “cuộc sống” rất đơn giản sau những cái phẩy tay trên màn hình điện thoại nên khi ra cuộc sống thức rất ngại, dễ bi quan khi gặp những khó khăn.
Không xem điện thoại là vật để dỗ dành hoặc thứ có thể thay thế bố mẹ
Trao đổi với phóng viên, nhà báo Chiến Văn chia sẻ: "Trước hết, phải thấy rằng hiện nay điện thoại smartphone đã gắn bó mật thiết với đời sống con người, trở thành vật "không thể thiếu" đối với hầu hết các bậc phụ huynh, nhất là bậc làm cha mẹ ở thành thị. Khi cha mẹ coi Smartphone là vật bất ly thân, thì rất khó để tránh được sự chú ý của con cái".
Ngay từ khi biết nhận thức, con trẻ đã biết học theo, bắt chước những hành động của người lớn xung quanh. Do vậy, nếu bố mẹ sử dụng điện thoại trước mặt con cái thì khó lòng tránh được sự tò mò, muốn bắt chước của trẻ. Nhất là đối với các loại điện thoại smartphone, có nhiều tính năng, ứng dụng thông minh, hiện đại rất thu hút trí tò mò, ham khám phá của trẻ nhỏ. Để con nhỏ không học theo bố mẹ, tốt nhất bố mẹ không nên dùng điện thoại trước mặt con cái. Tuy nhiên, điều này gần như là không thể.
Nhà báo Chiến Văn- Ảnh: NVCC
Cách hợp lý nhất theo tôi là nên hướng dẫn cho con ngay từ đầu rằng điện thoại là công cụ làm việc, giao tiếp của người lớn. Trẻ con muốn sử dụng phải được phép của bố mẹ. Và cũng luôn nhắc nhở con rằng, khi còn bé mà dùng điện thoại nhiều sẽ rất có hại. Trước hết là hại mắt, hại tai, làm con lười vận động thể chất, dễ trầm cảm.
Có thể ban đầu các con chưa hiểu hết được điều đó. Nhưng khi nhắc nhở nhiều lần, con trẻ sẽ tự ý thức được trẻ con sử dụng điện thoại là không tốt, bố mẹ không khuyến khích điều đó. Muốn bố mẹ vui, con không nên đòi chơi, nhà báo Chiến Văn chia sẻ.
Nói chung, trong thời kỳ bùng nổ thông tin, cấm đoán trẻ tiếp cận với các vật truyền tin, công nghệ, trong đó có điện thoại thông minh là việc làm không tưởng. Nhưng nên căn dặn, định hướng, nhắc nhở, đừng đem điện thoại ra làm vật dỗ dành, mặc cả hoặc thứ có thể thay thế bố mẹ. Chơi cùng trẻ sẽ giúp chúng hình thành ý thức, thói quen sử dụng điện thoại thông minh hợp lý, khoa học hơn. Bản thân cái điện thoại không có hại. Quan trọng nhất là cách chúng ta sử dụng nó hợp lý và đúng mục đích.