Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang nỗ lực trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có 5 đô thị trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại đặc biệt), Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).
8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).
Đối với tỉnh Quảng Ninh, ngoài định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, theo quy hoạch ban hành danh mục đô thị loại I, loại II, tỉnh có Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái trở thành đô thị loại 1.
Đô thị loại 2 có Đông Triều, Quảng Yên và dự kiến phát triển Vân Đồn thành đô thị loại 2.
Trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023, đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có 12 đơn vị hành chính với 12 đô thị; Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập TX Tiên Yên.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã xác định một tầm nhìn mới, khẳng định tính chất, vai trò vị thế mới của tỉnh.
Trong đó, ưu tiên tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức, nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá, kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp.
Đồng thời, tổ chức không gian phát triển hợp lý nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ, phát huy thế mạnh của từng địa phương, của tỉnh; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh...
Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 đã đề ra, Quảng Ninh sẽ phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình riêng.
Theo đó, sẽ không hình thành các quận mà sẽ hình thành vùng nội thị bao gồm các thành phố trong thành phố, được liên kết với nhau bằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiên tiến như hệ thống giao thông công cộng đô thị, hạ tầng kỹ thuật thông tin truyền thông...
Các thành phố trong vùng nội thị bao gồm: Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái được đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn về chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chí đô thị loại I đến năm 2030.
Các đô thị khác thuộc các huyện: Tiên Yên, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ và Cô Tô.
Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có 12 đơn vị hành chính, dân số toàn tỉnh khoảng 2,64 triệu người (dân số thường trú khoảng 1,63 triệu người), tỷ lệ đô thị hóa trên 75%.
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng phát triển, hình thành 3 liên vùng, gồm: Liên vùng Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều, Cẩm Phả, trong đó Hạ Long là trung tâm vùng, Quảng Yên gắn với khu kinh tế ven biển Quảng Yên là động lực tăng trưởng mới.
Liên vùng Vân Đồn, gồm: Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Ba Chẽ, trong đó, khu vực Vân Đồn là trung tâm vùng với động lực là kinh tế du lịch, công nghiệp sạch và công nghệ cao, logistics, nông lâm ngư nghiệp.
Liên vùng Móng Cái, gồm: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, trong đó, khu vực Móng Cái gắn với Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là mũi đột phá, trung tâm vùng.
Với những định hướng, bước đi chiến lược đã xác định tại Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ninh đã định vị những giá trị, cơ hội, cùng thách thức để triển khai các mục tiêu phát triển mới, rút ngắn lộ trình thực hiện các mục tiêu quy hoạch, là tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt, cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.