Tin địa phương

Quảng Ninh: Đàn gia súc "thong dong" trên QL18

Trần Khanh 16/02/2025 - 13:06

Thời gian qua, trên tuyến QL18 (đoạn qua phường Hà Khẩu, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) thường xuyên xuất hiện đàn gia súc thả rông, di chuyển băng cắt sang đường khiến các phương tiện đang lưu thông đột ngột phanh gấp giảm tốc độ.

Anh Nguyễn Việt Phương (trú tại TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, vào thời điểm ban ngày, tuyến QL18 đoạn qua Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (thuộc phường Hà Khẩu, TP. Hạ Long) thường xuyên xuất hiện đàn gia súc di chuyển chậm rãi giữa đường.

Do đó, các phương tiện phải đột ngột giảm tốc độ, đánh lái chuyển làn, né tránh gia súc. Thậm chí, các tài xế phải phanh gấp, dừng xe lại để nhường cho đàn gia súc sang đường.

"Đây là tuyến đường 10 làn rộng rãi, các phương tiện thường di chuyển nhanh. Việc đàn gia súc thong dong trên đường quốc lộ rất nguy hiểm với các phương tiện đang lưu thông, đặc biệt là người điều khiển xe máy", anh Trần Trung Dũng (trú tại TP. Hạ Long) cho hay.

img_3078.jpeg
Đàn gia súc di chuyển trên tuyến QL18 (đoạn qua phường Hà Khẩu, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh TK.

Chị Phạm Thúy Quỳnh (trú tại TP. Hải Phòng) chia sẻ, khu vực này mật độ phương tiện lưu thông khá đông, nhưng chủ chăn nuôi gia súc lại thiếu trách nhiệm, thả rông động vật di chuyển lung tung rất nguy hiểm.

Tuyến QL18 từ phường Hà Khẩu đến cầu Bãi Cháy có mật độ giao thông đông đúc, nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia lưu thông, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức cộng đồng đến người dân chăn nuôi gia súc.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, hành vi thả rông gia súc trên đường bộ bị nghiêm cấm.

Nếu để gây ra tai nạn giao thông, chủ sở hữu súc vật súc vật sẽ phải chịu chế tài xử lý tương xứng với tính chất, mức độ do hành vi vi phạm. Có thể phải chịu trách nhiệm theo quy định và đồng thời phải bồi thường dân sự.

Trường hợp người dắt súc vật đi trên đường bộ phải tuân thủ nguyên tắc sau: Phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường, trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới (Điều 34 Luật Giao thông đường bộ).

Trường hợp chủ gia súc chăn thả, hoặc dẫn dắt gia súc đi trên đường gây tai nạn giao thông chết người, thì người chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vô ý làm chết người" theo quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự 2015 với khung hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Trường hợp vô ý làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 3-10 năm, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường theo Bộ luật Dân sự.

Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau: Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác.

Như vậy, tùy vào tính chất, mức độ, hành vi mà người chủ gia súc sẽ phải chịu trách nhiệm (hoặc bị xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời phải bồi thường khi gia súc gây thiệt hại, tai nạn chết người).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Đàn gia súc "thong dong" trên QL18