QH yêu cầu: Tiết kiệm trong chi thường xuyên, không mua xe công

Ngọc Mai| 11/11/2014 12:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, QH thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2015; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, trong đó, tiết kiệm chi tiêu công, hạn chế bội chi ngân sách ở mức 5% đã được các ĐBQH thông qua với sự nhất trí cao.

Bội chi ngân sách ở mức 5%

Nghị quyết của Quốc hội nêu, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế - xã hội trong nước còn nhiều khó khăn, trong đó, có tác động của việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2014 đã đạt mục tiêu tổng quát, đạt và vượt 13/14 chỉ tiêu kế hoạch năm 2014. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đây là năm đầu tiên đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết của Quốc hội là 5,8%, đồng thời là năm thứ 3 liên tục xuất siêu, dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng.

Phát huy những kết quả đạt được, Nghị quyết của Quốc hội cũng chỉ rõ, trong thời gia tới, chúng ta cần tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và hợp tác quốc tế.

Theo đó, năm 2015, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 30% - 32% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7% đến 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động…

QH yêu cầu: Tiết kiệm trong chi thường xuyên, không mua xe công

QH thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2015 vào ngày 10/11

Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tập trung hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo đề án đã duyệt.

Rà soát, bổ sung các chính sách thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam và tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tiếp tục rà soát tổ chức bộ máy, biên chế gắn với yêu cầu xóa bỏ sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan và tín dụng ngân hàng.

Tăng dư nợ tín dụng phù hợp và bảo đảm chất lượng tín dụng, tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tiếp cận vốn tín dụng có hiệu quả và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo hướng sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua bán nợ, tăng cường thanh tra, giám sát về nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định pháp luật về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3%...

Với đa số các đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 911.100 tỷ đồng, chưa tính 10.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.147.100 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước tương đương 5% GDP.

Không mua xe công

Để thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra, Quốc hội giao Chính phủ: Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ; phân bổ chi ngân sách nhà nước tập trung, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát; quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách.

Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế; thu hồi kịp thời các khoản thu được phát hiện qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; giảm nợ đọng thuế. Không đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết quốc tế.

Điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao. Không cho phép ứng trước dự toán ngân sách nhà nước năm sau; trường hợp đặc biệt, Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Rà soát, quản lý chặt chẽ để giảm mạnh số chi chuyển nguồn, chỉ thực hiện chuyển nguồn đối với một số khoản chi còn nhiệm vụ và thực sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục thực hiện triệt để tiết kiệm trong chi thường xuyên, không mua xe công (trừ xe chuyên dụng theo quy định của pháp luật); giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài.

Nghị quyết cũng nêu rõ: Tổ chức đại hội Đảng các cấp theo tinh thần triệt để tiết kiệm. Thực hiện nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đơn giản thủ tục, đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Về phương án thí điểm nhằm tháo gỡ khó khăn đưa người nghiện không có nơi cư trú vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, theo Nghị quyết, Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tổ chức thực hiện hiệu quả quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, ban hành đầy đủ và kịp thời các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.

Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định, Thông tư liên quan, rút ngắn thời gian, đơn giản thủ tục lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Chính phủ cũng sẽ hướng dẫn, chỉ đạo địa phương tạm thời giao trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tiếp nhận để quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy, không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ, để Tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

QH yêu cầu: Tiết kiệm trong chi thường xuyên, không mua xe công

ĐBQH thông qua Nghị quyết

Tờ trình 772 ngày 9/11/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đã có 280/286 đại biểu đồng ý, 6 không đồng ý đưa nội dung này vào dự thảo Nghị quyết.

Trước đó, chiều 7/11, Thường vụ Quốc hội đã họp và thống nhất với phương án cho phép thí điểm lập trung tâm tiếp nhận người nghiện để cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý trong khi chờ lập hồ sơ ban hành quyết định của Tòa án đưa vào cai nghiện tập trung, như trong tờ trình của Chính phủ. Các trung tâm này sẽ thay cho vai trò của các tổ chức xã hội.

Các địa phương có số lượng lớn người nghiện không có nơi cư trú ổn định, có điều kiện cũng được phép lập các trung tâm tương tự, trên cơ sở tận dụng cơ sở và nguồn nhân lực hiện có.

Hai trung tâm Bình Triệu và Nhị Xuân của TP HCM hiện đã sẵn sàng tiếp nhận người nghiện, để giúp họ cắt cơn giải độc và tư vấn tâm lý ngay từ cuối tháng 11 - khi được Quốc hội thông qua.

Số người nghiện tại TP HCM hiện nay là hơn 19.000, tăng 7.000 người so với năm 2013, trong đó hơn 60% từ các tỉnh nhập cư về và không có địa chỉ quản lý. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thành phố hầu như không đưa được người nghiện vào các trung tâm cai nghiện bắt buộc.

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2015:
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%.
- Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%.
- Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%.
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30%-32% GDP.
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.
- Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động.
- Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%.
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15%.
Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 23,5 giường.
- Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 90%.
- Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 82%.
- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
QH yêu cầu: Tiết kiệm trong chi thường xuyên, không mua xe công