Phát triển nông nghiệp bền vững

Bảo Dân| 01/08/2018 11:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nông nghiệp là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, tạo sự ổn định xã hội và nâng cao chất lượng sống cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế nước ta.

Với nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 6 năm 2018 mới có khoảng 49.000 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước và hầu hết là doanh nghiêp nhỏ và siêu nhỏ.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả thu hút FDI trong lĩnh vực nông nghiệp từ trước đến nay còn rất khiêm tốn. Dù  nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng và lợi thế để phát triển, song tổng số vốn FDI trong suốt hơn 25 năm qua mới đạt khoảng 4 tỷ USD, chỉ chiếm 1,4% tổng vốn FDI của cả nước.  Các chuyên gia nhìn nhận, kết quả này hoàn toàn trái ngược với những lợi thế và tiềm năng phát triển nông nghiệp nước ta. Lợi thế top 5 các nước xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu, cao su... nhiều nhất thế giới vẫn không được khai thác và cơ bản là vẫn xuất khẩu thô các loại nông sản này.

Thời gian qua đã xuất hiện một số mô hình đầu tư vào nông nghiệp thành công như của tập đoàn TH trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa và chế biến sản phẩm sữa. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã có mặt trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa và bò thịt. Được biết Tập đoàn Vingroup đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực trồng rau sạch. Một doanh nghiêp trong nước đã đầu tư dây chuyên chế biến vải thiều ở Bác Giang. Bước đầu đã có một số tập đoàn nước ngoài đầu tư phát triển nông nghiệp ở nước ta. Chẳng hạn, tập đoàn Showa Denko (Nhật Bản) đã quyết định đầu tư 1 triệu USD xây dựng nhà máy rau sạch tại tỉnh Hà Nam bằng công nghệ đèn led, công nghệ giúp rau tăng trưởng nhanh gấp 2,5 lần so với trồng trọt truyền thống. Trước đó, một DN đến từ Nhật Bản khác là tập đoàn ISE Food đã bày tỏ mong muốn được hợp tác chuyển giao kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng hiệu quả cao tại TP. HCM.

Các chuyên gia phân tích, mặc dù đã có rất nhiều nghị quyết, chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhưng vẫn chưa xử lý và giải quyết những khó khăn cản trở đầu tư vào nông nghiệp như: quỹ đất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất do các quy định về hạn điền và thời gian cho thuê đất; ngành công nghiệp cơ khí nông nghiệp còn yếu kém, công nghiệp bảo quản chế biến hạn chế. Đáng chú ý là nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất hợp lý chậm được cải cách. Các ứng dụng khoa học - công nghệ, liên kết chuỗi giá trị sản xuất mới chỉ ở bước sơ khởi đang cản trở đầu tư vào lĩnh vực này.

Được biết cuối tháng 7 đã có một hội nghị toàn quốc về phát triển nông nghiệp tổ chức tại Lâm Đồng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại hội nghị này những chính sách mới nhằm  khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ được phổ cập rộng rãi đồng thời mở rộng đối thoại giữa các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ với các doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia. Đích thân Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đề ra hành động của Chính phủ thông qua một Nghị quyết nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Hy vọng đây sẽ là cú hích mở hướng tương lai cho phát triển nông nghiêp công nghệ cao bền vững, góp phần đưa nông sản Việt Nam có vị thế xứng đáng trên thị trường, đồng thời cải thiện một bước quan trọng đời sống của bà con nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nông nghiệp bền vững