Cách đây tròn 68 năm, truyền thống lịch sử nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội đã có thêm một mốc son sáng chói: Ngày 10-10-1954 - Ngày Giải phóng Thủ đô. Kỷ niệm sự kiện trọng đại này, chúng ta càng thêm tự hào về Đảng, Bác Hồ và Tổ quốc ta, dân tộc ta; trong đó có những con người Hà Nội đã làm nên lịch sử với tinh thần chiến đấu “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Đây là nguồn động viên to lớn thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội phát huy sức mạnh truyền thống nghìn năm, quyết tâm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Giá trị cốt lõi
Ngày Giải phóng Thủ đô đã đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam. Từ sáng 9-10-1954, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Hà Nội. Đúng 16h30 cùng ngày, tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên. Từ đây, quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố.
Sáng 10-10-1954, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô. Hàng vạn nhân dân Hà Nội trong rừng cờ đỏ sao vàng hân hoan hạnh phúc đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về.
Đây là khúc khải hoàn ca sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp mà mở màn là cuộc chiến đấu 60 ngày đêm năm 1946 với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” vô cùng oanh liệt ở chính Thủ đô, của chính quân, dân Hà Nội anh hùng.
Kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô năm nay cũng vào dịp Thăng Long - Hà Nội tròn 1012 năm kể từ khi Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn ban “Chiếu dời đô”, thực hiện một cuộc thiên di chưa từng có, thể hiện tầm nhìn và khát vọng hùng cường của dân tộc.
Trong hơn 10 thế kỷ, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua bao thăng trầm thời đại, siêng năng, sáng tạo trong lao động, dũng cảm trong các cuộc chiến đấu vệ quốc, hun đúc nên một Hà Nội với truyền thống nghìn năm có bề dày lịch sử vẻ vang cùng nền tảng văn hóa phong phú, đặc sắc. Hà Nội nghìn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị từ lâu đã trở thành những giá trị cốt lõi, là nguồn sức mạnh truyền thống to lớn cần phải được phát huy, tạo động lực cho phát triển. Đây cũng là yêu cầu, nhiệm vụ mà các đồng chí lãnh đạo Trung ương luôn quan tâm chỉ đạo và giao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội không thể như địa phương khác, mà phải cao hơn, mạnh hơn. Vì sao? Bởi vì Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, là nơi hội tụ khí phách cha ông, hồn thiêng dân tộc, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, tụ khí tinh hoa, địa linh nhân kiệt, có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, tiêu biểu cho truyền thống văn hiến và anh hùng, hòa bình và hữu nghị của dân tộc Việt Nam (...). Do đó, Hà Nội phải vừa phát huy bề dày truyền thống vẻ vang và những thành tựu đã đạt được, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng tối đa những thời cơ, vận hội, huy động được nguồn lực tổng hợp và nhất là niềm tin, sự đồng lòng, nhất trí của cán bộ, đảng viên và nhân dân để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn lưu ý, Đảng bộ Hà Nội cần phải có tầm nhìn không chỉ là một vài năm hay một nhiệm kỳ trước mắt, mà phải nhìn xa hơn thế nữa, với những cách làm, bước đi phù hợp cho mỗi giai đoạn cụ thể và phù hợp với tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong giai đoạn tới.
Đổi mới có trọng tâm, trọng điểm
Xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, triển khai đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, các cấp ủy Đảng thành phố, trước tiên là Thành ủy Hà Nội đã thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo nêu trên, đổi mới quyết liệt từ việc xây dựng và ban hành các chương trình, nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch công tác...
Cụ thể hóa 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá, Thành ủy Hà Nội đã ban hành sớm, đồng bộ 10 chương trình công tác; đồng thời lựa chọn những vấn đề có trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Đó là 2 nội dung quan trọng để ban hành nghị quyết chuyên đề, qua đó nhằm phát huy sức mạnh truyền thống to lớn của Thăng Long - Hà Nội, đó là con người và văn hóa; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp và phát triển công nghiệp văn hóa. Ban Thường vụ Thành ủy ban hành 2 chỉ thị quan trọng tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề nóng là công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng; quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản.
Đặc biệt, thành phố đã chủ động triển khai các chủ trương lớn nhằm khơi thông nguồn lực, mở ra cơ hội, điều kiện phát triển cho thành phố trong giai đoạn mới. Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, cần phải sắp xếp thứ tự ưu tiên, Hà Nội đã dành nguồn lực, tập trung đầu tư trong giai đoạn 2022-2025 vào 3 lĩnh vực: Văn hóa, y tế, giáo dục; lựa chọn dự án lớn có sức lan tỏa rộng, tạo động lực phát triển lâu dài để đầu tư, tiêu biểu là Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đây là tuyến đường vành đai liên vùng quan trọng, kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng. Hiện nay, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai dự án do đồng chí Bí thư Thành ủy trực tiếp làm Trưởng ban nhằm bảo đảm sự lãnh đạo đồng bộ, thống nhất, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc. Các công việc đang được gấp rút triển khai bằng tâm huyết và ý chí quyết tâm cao.
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức rất lớn đặt ra, đặc biệt là tình hình đại dịch Covid-19, nhưng bằng tinh thần đổi mới, ý chí quyết tâm mạnh mẽ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô vẫn vững vàng tiến về phía trước; gương mẫu, đi đầu cả nước trong thực hiện nhiệm vụ vừa chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 của thành phố đạt 2,92%, (cả nước tăng 2,58%). Tăng trưởng quý III-2022 ước tính đạt 15,71% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, GRDP của thành phố tăng 9,69% so với cùng kỳ năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm gần đây.
Tất cả vì Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại
Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố xác định rất rõ những hạn chế, yếu kém còn tồn tại để có kế hoạch, giải pháp từng bước khắc phục. Đặc biệt, đứng trước thời cơ và vận hội phát triển của đất nước, Bộ Chính trị khóa XIII đã dành cho Thủ đô Hà Nội sự quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng lớn lao thông qua việc ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là “kim chỉ nam”, đòi hỏi toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô đoàn kết, quyết tâm hành động vì một Hà Nội “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”.
Ngày 26-8-2022, Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ; phân công cụ thể nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương thuộc thành phố; kiến nghị, đề xuất nhiệm vụ đối với các cơ quan trung ương... Trong đó, một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết và phải tập trung làm ngay, đó là thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư trong Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30-6-2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31-12-2023.
Nhiệm vụ này đã được Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng lưu ý 7 nội dung quan trọng trong phát biểu phát động thi đua ngày 30-9-2022. Trong đó, đồng chí chỉ đạo, từng địa phương phải xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, phân giao từng đầu việc gắn cá nhân hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, từ đó đưa phong trào thi đua đến với từng người dân, từng hộ dân, từng thôn xóm.
Từ nay đến hết năm 2022 không còn nhiều thời gian, trong khi nhiệm vụ đặt ra rất lớn. Nhiệm vụ trước mắt đối với các cấp, ngành từ thành phố xuống cơ sở là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm là 7-7,5%, bảo đảm cân đối thu - chi ngân sách và kiểm soát lạm phát dưới 4%. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động rà soát tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu còn thấp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; đặc biệt, cần khắc phục những hạn chế tồn tại, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ rất có ý nghĩa đối với các cấp, ngành còn là chuẩn bị và tổ chức thật tốt hoạt động kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của Thủ đô và đất nước, đặc biệt là Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12/1972 - tháng 12/2022); chuẩn bị chu đáo phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán 2023 bảo đảm nhà nhà, người người đều có Tết; tiếp tục phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân...
*
* *
Sức mạnh truyền thống nghìn năm, trong đó có mốc son sáng chói Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954) đã làm nên Thăng Long - Hà Nội với những phẩm chất vô cùng đáng tự hào: Văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị. Ngày nay, sức mạnh to lớn ấy chắc chắn sẽ là điểm tựa vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi những mục tiêu, chỉ tiêu, công trình, dự án đã đề ra, xây dựng Hà Nội thân yêu thực sự là Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.