An ninh trật tự

Nữ giáo viên mất gần 800 triệu đồng sau một cuộc gọi giả mạo

Gia Ân 08/04/2025 - 16:07

Tin vào cuộc gọi mạo danh cơ quan điều tra, một nữ giáo viên ở Nghệ An đã làm theo hướng dẫn tải phần mềm có biểu tượng giống hệt dịch vụ công trực tuyến. Chỉ sau vài thao tác tưởng chừng “vô hại”, chị bị chiếm quyền kiểm soát điện thoại và mất trắng gần 800 triệu đồng.

Công an tỉnh Nghệ An cho biết đã tiếp nhận trình báo của chị H. (trú tại Nghệ An), về việc bị chiếm đoạt tài sản thông qua một ứng dụng giả mạo dịch vụ công trực tuyến.

Theo lời kể, chị H. bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông tự xưng là cán bộ cơ quan điều tra. Người này yêu cầu chị phối hợp làm rõ hồ sơ liên quan đến định danh công dân.

canhbao.jpg
Ảnh minh họa

Đáng chú ý, đối tượng đọc chính xác thông tin cá nhân của chị và chồng – từ họ tên, nghề nghiệp đến thông tin của hai con nhỏ – khiến chị hoàn toàn tin tưởng.

Sau đó, người này hướng dẫn chị tải một ứng dụng có biểu tượng giống hệt phần mềm hành chính chính thống. Khi đã cài đặt và cấp quyền truy cập, chị H. thực hiện thao tác xác thực khuôn mặt và chuyển thử 12.000 đồng vào tài khoản được cho là của Kho bạc Nhà nước. Ngay sau đó, chị mất quyền kiểm soát điện thoại.

“Khi mở lại ứng dụng ngân hàng, tôi phát hiện toàn bộ tiền trong các tài khoản, đặc biệt là số tiền gửi tiết kiệm online hơn 750 triệu đồng, đã bị rút sạch. Tổng cộng tôi mất gần 800 triệu. Tôi choáng váng, không thể tin nổi,” chị H. bàng hoàng kể lại.

Chưa dừng lại, nhóm đối tượng còn tiếp tục yêu cầu chị cung cấp hồ sơ định danh của chồng và cài đặt phần mềm tương tự lên thiết bị khác trong gia đình.

"Chúng yêu cầu tôi nhập cả mã hồ sơ của hai đứa con. Cảm giác như toàn bộ cuộc sống riêng tư của gia đình tôi đã bị phơi bày trước mặt chúng," chị H. nói.

Trung tá Hà Huy Đức – Đội trưởng Đội phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An – cho biết, đây là thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao, được dàn dựng bài bản với mục tiêu chiếm quyền điều khiển điện thoại của nạn nhân.

“Các đối tượng sử dụng phần mềm giả mạo cài trên điện thoại hệ điều hành Android, từ đó chiếm quyền truy cập từ xa. Sau khi nắm quyền điều khiển, chúng thực hiện các giao dịch ngân hàng như tất toán sổ tiết kiệm, chuyển tiền... hoàn toàn không cần mật khẩu, vì mọi thao tác xác thực như nhận diện khuôn mặt hay nhập mã OTP đều diễn ra ngay trên thiết bị của nạn nhân,” Trung tá Đức thông tin.

Theo Công an tỉnh Nghệ An, dữ liệu cá nhân của người dân hiện dễ dàng bị rò rỉ từ các nền tảng có bảo mật kém, sau đó được bán cho các đường dây lừa đảo. Đáng lo ngại, nhiều đối tượng lừa đảo còn nắm được cả số dư tài khoản ngân hàng của nạn nhân trước khi hành động.

Cơ quan công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không cài đặt bất kỳ ứng dụng nào được hướng dẫn qua điện thoại, kể cả khi người gọi tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước.

Không chia sẻ thông tin cá nhân, số tài khoản, mã OTP hay mã định danh với bất kỳ ai. Tuyệt đối không thực hiện các giao dịch chuyển tiền “thử” dưới bất kỳ hình thức nào, bởi đó có thể là bước đầu tiên để kẻ gian kiểm soát thiết bị và tài khoản ngân hàng của bạn.

Ngoài ra, sau khi bị lừa đảo, nạn nhân còn có thể tiếp tục trở thành mục tiêu của các “dịch vụ” thu hồi tiền lừa đảo quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội – một chiêu trò lừa đảo khác đang có dấu hiệu gia tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ giáo viên mất gần 800 triệu đồng sau một cuộc gọi giả mạo