Sau cơn mưa bất chợt giữa thu khiến cho ngôi chùa Cổ Lễ (Nam Định) càng trở nên u tịch, tôn nghiêm mà không xa lạ với cuộc sống đời thường.
Len lỏi trong không khí lễ hội chùa Cổ Lễ là những mảnh đời lặng lẽ, lê lết dưới chân khách thập phương xin từng đồng tiền lẻ. Tất cả đều giống nhau, rách dưới bẩn thỉu, đứa lớn cố bồng đứa nhỏ xiêu vẹo một cách vụng về, khiến người chứng kiến không khỏi xót xa.
Ngay phía sau cổng chùa Cổ lễ là nơi “hành nghề”, cũng là chỗ ngủ khi màn đêm buông xuống của các em nhỏ đi ăn xin trong những ngày diễn ra lễ hội. Mỗi em nhỏ lại có một thân phận khác nhau, có em xuất phát từ hoàn cảnh nghèo khổ, không được học hành, phải bươn chải tự kiếm sống, có em thì mồ côi vất vưởng chẳng ai nuôi, có em lại chẳng thiếu đến nỗi phải đi xin ăn, nhưng có những kẻ sẵn sàng lợi dụng các em nhằm mưu lợi. Đau lòng hơn, có những trường hợp chính những người thân như bà, cha, mẹ đã đẩy con cháu mình lang thang xin tiền về nuôi cả gia đình, để các em phải hứng chịu bụi bặm của cuộc đời.
Góc tối trong tâm hồn trẻ thơ
“Bố chết rồi! à không bố bị đi tù rồi”- Đây là câu trả lời cộc lốc và mâu thuẫn của Phong cậu bé chừng 10 tuổi, theo bà đi ăn xin ở lễ hội chùa Cổ Lễ, khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình
.
Cô bé đi ăn xin còi cọc bế em một cách vụng về khiến nhiều người xót xa
Sau một hồi lân la hỏi chuyện cậu bé có vẻ thành thật hơn và nói: “Bà em bảo nói vậy để người ta thương, chứ đúng ra là bố mẹ em bỏ nhau từ lúc em mới sinh ra, nhưng bây giờ bố cũng bị bắt rồi, mẹ em bán nước ở hồ Vị Xuyên. Hằng ngày 3 chị em với bà đi xin ở quanh hồ, ở chỗ nào có hội thì bà lại dắt chúng em đến, cứ có tiền là bà lại đánh đề, bà em nợ nhiều lắm”.
Khi tôi tỏ vẻ không tin, thì cậu bé liền kéo tôi đến trước mặt người bà đang ngồi ăn xin, hỏi như để chứng minh: “Bà ơi đúng là bố cháu đi tù rồi bà nhỉ”. Đáp lại câu trả lời bằng một cái nhìn săm soi, bà cậu bé trả lời: “Vâng! Mày không lo xin đi, cứ đi nói chuyện với người lạ vậy?”
Cậu bé quay sang nhoẻn cười với tôi: “Đấy! chị thấy chưa? Em nói thật mà”. Nụ cười khiến khuôn mặt em bừng sáng, nhưng vẫn không giấu nổi vẻ ngô nghê của một đứa trẻ không có những vùng ký ức tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc như bao bạn bè cùng trang lứa.
Những đứa trẻ tội nghiệp bị đẩy ra đường ăn xin
Có lẽ không ai biết chính xác Phong từ đâu tới, chỉ biết cứ đến mùa lễ hội là cậu bé cùng chị và bà lại xuất hiện ở cổng chùa để ăn xin. Cũng không ai biết cha mẹ cậu bé đi đâu, làm gì, vì mỗi một người hỏi, cậu bé đều có câu trả lời khác nhau. Dường như mọi câu trả lời đều được nằm trong "kịch bản" của người bà, lúc thì cậu bé nói bố mẹ đều đi tù, lúc thì nói họ đều đã mất, mục đích chính chỉ để “câu” lòng thương hại của du khách.
Tuổi thơ với những giấc ngủ li bì, vạ vật
Nhưng còn đau lòng hơn là những đứa trẻ chỉ mới chưa đầy 20 tháng tuổi cũng bị dùng làm “công cụ” kiếm tiền của người lớn.
Nằm cách chỗ ngồi của Phong một bước chân là đứa bé nằm ngủ li bì, với chiếc áo cộc không che nổi phần bụng.
Ngày thứ nhất ở lễ hội em bé ngủ li bì và đặt nằm vạ vật
3 ngày liên tiếp từ khi lễ hội diễn ra, em bé vẫn được đặt trên tấm áo mưa với những giấc ngủ li bì, lay gọi, bế bé lên cũng không thấy dậy. Khi hỏi bà của em bé - cũng chính là bà của cậu bé Phong về cha mẹ em, thì bà trả lời: “Bố mẹ cháu không còn, nên nó ở với tôi”.
Rồi người ăn xin quần áo rách tả tơi, đầu quấn khăn ngồi cạnh tỏ vẻ khó chịu, đến giằng đứa bé đặt nằm lại chỗ cũ: “Bế nó lên làm gì, nó đang ngủ sao lại khua nó dậy”. Rồi quay sang quắc mắt lớn tiếng với bà cụ: “Bà cẩn thận đấy, toàn bọn vớ vấn, chúng nó hỏi cũng đừng có trả lời gì”.
Không thực sự an lòng, PV chạy vào trong chùa gặp lực lượng y tế được bố trí thường trực 24/24h tại lễ hội để yêu cầu giúp đỡ. Nhưng khi nhân viên y tế và PV quay trở ra cổng chùa thì không thấy đứa bé đâu. Phong thấy vậy liền kéo tôi cúi xuống thấp và nói khẽ vào tai “Em của em cứ uống nước ở trong bình bà cho là nó ngủ, không ai gọi dậy được đâu, thấy chị hỏi nên bà bế em lánh đi rồi”
Ngày thứ 3 ở lễ hội em bé vẫn ngủ say sưa một cách khó hiểu
Nhìn đứa trẻ nằm lăn lóc, trong lòng tôi không khỏi bất an. Những băn khoăn về thứ nước trong bình mà Phong nói, liệu có phải chất gây ngủ?. Trong lòng hy vọng điều đó sẽ không phải là thực, vì nếu đúng như băn khoăn của tôi thì thật là nhẫn tâm, và đáng buồn hơn khi người cho bé uống lại là bà của em.
Khi gánh chịu sự nhẫn tâm có rất nhiều em trở lên cộc lốc, chai sạn không thể quản lý được và chỉ 1 câu nói hay câu mắng vô tình sẽ khiến các em phản ứng tiêu cực. Điều này cũng như sự đáp trả cuộc đời đã mang đến cho các em điều cơ cực, mà đáng lẽ ở tuổi các em chưa phải đón nhận.
Câu chuyện của cậu bé Phong và em bé ngủ li bì mà chúng tôi gặp ở lễ hội Cổ Lễ đã phần nào phản ánh rõ nét về những đứa trẻ mà tuổi thơ bị...đánh cắp. Những đứa trẻ phải sống với mảng đời đen tối, ngập ngụa toan tính vụ lợi của người lớn tuổi.