Mới đây, Vụ Giáo dục đại học – Bộ GDĐT công bố các số liệu liên quan đến số lượng nguyện vọng của thí sinh đăng ký vào các ngành nghề, sau khi kết thúc thời gian thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển đại học năm 2021.
Theo số liệu tổng hợp cho đến nay, toàn hệ thống có trên 3.8 triệu nguyện vọng đăng ký, gần 550.000 chỉ tiêu. Tuy nhiên, con số 3,8 triệu nguyện vọng này đã thống kê tất cả các nguyện vọng (từ NV1, NV2, NV3….).
Nếu tính tổng nguyện vọng trên chỉ tiêu thì nguyện vọng có số lượng gấp hơn 7 lần chỉ tiêu. Nhưng nếu tính tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (NV1) thì chỉ cao gấp 1,45 lần tổng số chỉ tiêu của cả hệ thống.
Theo Vụ Giáo dục đại học, để đánh giá tình hình, xu hướng đăng ký ngành năm nay cần phải căn cứ số liệu đăng ký nguyện vọng 1 vì nguyện vọng 1 thể hiện ưu tiên số 1, ngành mong muốn, lựa chọn đầu tiên của các em. Chỉ khi không đỗ nguyện vọng 1, các em mới bắt đầu lựa chọn các ngành nghề khác bằng các NV2, NV3.
Tỷ lệ NV1/Chỉ tiêu cho thấy, những ngành “hot” nhất, nhiều thí sinh đăng ký nhất năm nay là: An ninh Quốc phòng (566,82%); Báo chí và thông tin (311,65%), Nghệ thuật 210,7%); Du lịch khách sạn, dich vụ cá nhân (201%), Khoa học xã hội và hành vi (197,97%).
Trong tổng số nguyện vọng, thì nhóm ngành Kinh Doanh quản lý tuy chiếm tỉ lệ đăng ký nguyện vọng cao nhất (32,77%). Nhưng khi xét nguyện vọng 1 thì nhóm ngành này chỉ chiếm 186,1%, đứng thứ 6 trong những nhóm ngành hút thí sinh nhất. Điều này cho thấy, nhóm ngành này được nhiều thí sinh lựa chọn cho các NV tiếp theo, nếu NV1 không đỗ.
Số liệu trên cho thấy nhóm ngành dịch vụ, báo chí thông tin vẫn đang lên ngôi, An ninh Quốc phòng vẫn giữ vững độ hấp dẫn thí sinh.
Đáng chú ý, ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên có tỉ lệ nguyện vọng đăng ký ở nhóm cao (TOP 9). “Điều này cho thấy, Việc Chính phủ ban hành và hướng dẫn thực hiện NĐ 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên, với ưu đãi chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm học phí và sinh hoạt phí, đảm bảo đầu ra sau tốt nghiệp cũng đã mang lại thêm sức hút cho ngành sư phạm.
Ngược lại, nhóm ngành ít hấp dẫn nhất (tính theo nguyện vọng 1) là Khoa học sự sống (26%) và Khoa học tự nhiên (20,1%.). Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì đây là nhóm ngành khoa học cơ bản, nhu cầu nguồn nhân lực không cao, luôn bị coi là khô khan”- Vụ Giáo dục đại học nhận định.
Cũng theo đánh giá của Vụ Giáo dục đại học, việc thí sinh đăng ký tập trung vào 1 số nhóm ngành nên hiểu theo hướng: Nó thể hiện xu hướng nghề nghiệp của năm, giai đoạn đó (là ngành hot, thu nhập đang cao), thể hiện nguyện vọng của thí sinh và thể hiện phần nào nhu cầu, sự dịch chuyển của thị trường lao động, của nền kinh tế.
Đây là điều hết thức bình thường, vẫn diễn ra mỗi kỳ tuyển sinh, từ nhiều năm nay. Sự thay đổi xu hướng đăng ký ngành nghề thể hiện sự dịch chuyển của cơ cấu nền kinh tế, nhu cầu thị trường.
Vụ Giáo dục đại học cũng lưu ý với thí sinh, ở những nhóm ngành “hot” thì mức độ cạnh tranh sẽ cao, khả năng trúng tuyển sẽ khó hơn các nhóm ngành khác. Đây là rủi ro, thách thức mà các thí sinh đăng ký các nhóm ngành này cần hết sức lưu ý.