Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông, tiêu thụ nông sản trên địa bàn các tỉnh phía Nam gặp nhiều khó khăn, hiện Ngành nông nghiệp các tỉnh đang nỗ lực hỗ trợ kết nối để tiêu thụ nông sản cho các địa phương…
Các mặt hàng nông sản của Bình Dương, như: Thịt heo, gà, trái cây, rau… gặp khó khăn về tiêu thụ, giá bán giảm mạnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tăng cường kết nối cung - cầu vừa giúp cho các vùng sản xuất tiêu thụ nông sản, vừa hỗ trợ người dân ở các vùng bị cách ly y tế, phong tỏa để phòng dịch.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn đã liên hệ Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản vùng I (thành viên tổ kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản phía Nam Bộ NN&PTNT) nắm nhu cầu và đơn giá để hỗ trợ cho các hợp tác xã. Đến nay, đã triển khai bán hàng tại 20 điểm, lượng hàng cung ứng hàng ngày khoảng 6 tấn rau củ quả; 300 - 350kg thịt; 27.000 trứng cho 1 điểm bán. Đồng thời tổ chức các chuyến xe bán hàng lưu động tại các huyện, thị, thành phố. Bên cạnh đó, người dân tại khu vực phong tỏa cũng được hỗ trợ mua hàng qua 3 hình thức: Trực tuyến; tại các cửa hàng, tiệm tạp hóa trong khu vực phong tỏa; tiếp nhận và phân phối hàng hóa hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, người thân.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết để tiếp tục duy trì phát triển sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ người sản xuất cũng như bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa nông sản thực phẩm thiết yếu trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố và các sở, ngành thực hiện nhiều giải pháp.
Đồng thời, trên cơ sở khả năng cung ứng và nhu cầu tiêu thụ hàng nông sản thiết yếu trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT thường xuyên báo cáo Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phía Nam của Bộ NN&PTNT để kịp thời hỗ trợ, điều tiết nguồn hàng từ các tỉnh theo nhu cầu hỗ trợ của địa phương.
Tại Bến Tre, Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố đã có báo cáo về các loại hàng hóa nông sản đang bước vào thu hoạch, kiến nghị hỗ trợ tiêu thụ đến Tiểu ban hậu cần - Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh. Hiện huyện Bình Đại có lượng hàng hóa nông sản dồi dào. Qua tháng 8-2021, có khoảng 1 ngàn tấn dưa thu hoạch. Thủy sản đang khuyến cáo người dân neo lại qua đợt giãn cách. Con tôm cần được tiêu thụ thu mua. Toàn huyện có khoảng 20 thương lái, thu mua tôm, chủ yếu cung cấp cho các tỉnh bạn.
Huyện Ba Tri, có 3 mặt hàng chính là lúa, cá và bò. Lúa đang đứng đòng chưa thu hoạch. Huyện Châu Thành, có 4 mặt hàng trái cây như: chôm chôm 35 tấn, nhãn xuồng 460 tấn, dừa uống nước và bưởi nhưng có thể neo lại trong khoảng 1 tuần đến 10 ngày. Huyện Thạnh Phú đang bắt đầu thu hoạch tôm nuôi thâm canh. Diện tích sò nuôi trong điều kiện nước bắt đầu ngọt khiến người dân phải di dời vùng nuôi sò, đến đầu tháng 8-2021 thu hoạch khoảng 500 tấn. Huyện Chợ Lách đang có khoảng 500 tấn nhãn xuồng cần đầu ra. Trong 14 ngày, huyện Giồng Trôm có 1.400/2.500ha dừa xiêm xanh cần hỗ trợ tiêu thụ, neo 2 tuần sẽ bị cứng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh - Trưởng tiểu ban hậu cần - Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh cho rằng: Phải nắm sát sản lượng mới có thể hỗ trợ người dân đầu ra cho nông sản. Đối với rau, củ, quả thì kết nối tiêu thụ trong tỉnh. Trái cây, dừa và thủy hải sản thì tiêu thụ chủ yếu ngoài tỉnh, trong tỉnh chỉ một phần nào. Về giá cả, phải có sự can thiệp của Nhà nước để thống nhất một giá sau khi cân nhắc giữa giá bình quân và giá thị trường. Trước mắt, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hỗ trợ kênh tiêu thụ hàng nông sản trong tỉnh.
Tại Tiền Giang, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều loại nông sản được dự báo sẽ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Tuy nhiên, đến nay nhìn chung tình hình tiêu thụ nông sản tại tỉnh Tiền Giang cơ bản vẫn được đảm bảo nhờ thông qua nhiều kênh kết nối cung cầu. Ghi nhận tại xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang cho thấy, giá chanh được thương lái thu mua với giá 4.000 đồng/kg, giảm hơn trước chút ít. Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh nên các thương lái của các công ty hầu như ít đi thu mua như trước nên việc tiêu thụ gặp chút khó khăn.
Tại các chợ trong và ngoài tỉnh, mặt hàng khóm tương đối hút hàng nhưng tại vườn người dân bán ra khá chậm và giá bán cũng tương đối thấp, do việc đi lại và vận chuyển còn khó khăn. Bên cạnh tiêu thụ theo các kênh truyền thống như trước nay, việc kết nối cung ứng hàng hóa cho các thị trường lớn ở các tỉnh, thành, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh thông qua tàu cao tốc cũng góp phần đẩy nhanh lượng hàng hóa nông sản được tiêu thụ. Nhờ đó cũng góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa được thông suốt hơn.
Tại Long An, từ nay đến ngày 6/8, Long An bước vào thu hoạch 12.000 ha thanh long với sản lượng dự kiến khoảng 15.000 tấn. Tuy nhiên, địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên việc thu hoạch, vận chuyển và hoạt động của các kho thu mua cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Để giúp nông dân tiêu thụ hết sản lượng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Hiệp hội Thanh long Long An đã phối hợp huyện Châu Thành, tập trung mọi giải pháp tháo gỡ để giảm bớt khó khăn, giảm thua lỗ cho nông dân trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Long An. Long An đã đề nghị tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản của Bộ NN và PTNT, Bộ Công thương hỗ trợ tiêu thụ và được tổ công tác kết nối hệ thống bưu điện các tỉnh tham gia tiêu thụ…
Bộ NN&PTNT vừa thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phía Nam do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm Tổ trưởng. Tổ công tác đã làm việc với các tỉnh, thành phía Nam và có báo cáo kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, một trong những nội dung quan trọng là xem xét bổ sung các chợ đầu mối tại các địa phương vào diện các cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, đề xuất cho các chợ đầu mối đủ điều kiện hoạt động trở lại để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm thiết yếu từ các tỉnh phía Nam về TP.Hồ Chí Minh và ngược lại.