Người phụ nữ bị khống chế bằng súng K59 được giải cứu như thế nào?

Đ.Việt| 29/10/2017 17:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nam thanh niên dùng súng K59 khống chế người phụ nữ làm con tin, yêu cầu lực lượng chức năng đưa một xe ô tô để bỏ trốn. Ngay lập tức, Cảnh sát đã hóa trang làm tài xế khống chế, bắt giữ đối tượng, giải cứu con tin an toàn.

Liên quan đến vụ nam thanh niên dùng súng khống chế một phụ nữ xảy ra trên địa bàn thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín, chiều 29/10, Công an TP Hà Nội đã chính thức thông tin sự việc.

Theo cơ quan điều tra, đối tượng gây ra vụ việc được làm rõ là Trần Đức Anh (23 tuổi, trú tại phố Đào Tấn, phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội).

Người phụ nữ bị đối tượng khống chế làm con tin là chị Lê Thị Hà, y tá của Viện Pháp y tâm thần Trung ương 1 có địa  chỉ tại huyện Thường Tín.

Người phụ nữ bị khống chế bằng súng K59 được giải cứu như thế nào?

Nam thanh niên khống chế người phụ nữ yêu cầu lực lượng chức năng đưa xe ô tô đến để trốn chạy

Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hà Nội cho biết, khoảng 9h30 sáng 29/10, Phòng PC45 nhận thông tin từ Công an huyện Thường Tín về việc một phụ nữ bị bắt cóc làm con tin.

Trước đó, tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương, một nam thanh niên mặc áo khoác, vào khu thăm hỏi, tiếp tế cho các bệnh nhân, yêu cầu cho gặp bạn là Trương Kim Hoàng (31 tuổi, trú tại phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) đang điều trị tại đây.

Do đây là khu điều trị nên các cán bộ không đồng ý. Lúc này, đối tượng này rút khẩu súng K59 và một con dao găm khống chế một nhân viên điều dưỡng rồi đưa ra ngoài đường, chặn một chiếc xe taxi lại.

Khi xe chạy đến cửa hàng bán cây cảnh gần số 105, khu Lương Thực ở thị trấn Thường Tín thì đối tượng khống chế con tin cố thủ trong cửa hàng.

Người phụ nữ bị khống chế bằng súng K59 được giải cứu như thế nào?

Đối tượng Trần Đức Anh

Phía bên ngoài, lực lượng Công an đã phong tỏa hiện trường, một mặt vận động đối tượng thả người, một mặt lên phương án giải cứu. Tuy nhiên, thanh niên này vẫn cố thủ trong nhà và yêu cầu lực lượng chức năng cho gặp bạn của mình là Trương Kim Hoàng đồng thời yêu cầu một xe ô tô đến đón đối tượng và con tin để thoát khỏi hiện trường.

Sau đó, cơ quan Công an đã đưa người bạn mà đối tượng yêu cầu đang điều ở Viện Pháp y tâm thần Trung ương 1 xuống hiện trường để thuyết phục bạn thả con tin nhưng đối tượng vẫn không đồng ý.

Đến 10h30, một xe ô tô do Trung tá Dương Minh Tùng, Đội trưởng đội Đặc nhiệm (Phòng PC45) hóa trang làm tài xế đến để chở ba người trong đó có con tin và một người bạn của đối tượng.

Theo đại tá Dương Văn Giáp, sau khi đối tượng lên xe ô tô, Trung tá Tùng vừa điều khiển phương tiện, vừa động viên, tìm sơ hở để khống chế. Phòng Cảnh sát hình sự đã báo Công an các quận nắm địa hình nơi hai đối tượng này sinh sống, đồng thời xác định các phương án xử lý tình huống giải cứu con tin.

Đúng như nhận định của cơ quan điều tra, đối tượng đã khống chế con tin, đưa về phố Hàng Gai, nơi sinh sống của Trương Kim Hoàng. Đến 11h15, Cảnh sát đã giải cứu an toàn con tin, khống chế được Đức Anh, thu giữ toàn bộ tang vật.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh) hành vi của đối tượng đã sử dụng vũ lực khống chế ép buộc nữ hộ lý đã có dấu hiệu phạm "Tội bắt, giữ người trái pháp luật". Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự. Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

Về khẩu súng đối tượng sử dụng khi thực hiện hành vi phạm tội, Cơ quan chức năng cần xác định đó là khẩu súng thật hay giả. Trường hợp nếu là súng thật thì cần thiết phải trưng cầu Cơ quan chuyên môn xác định là loại vũ khí quân dụng hay tương tự vũ khí quân dụng. Nếu là vũ khí quân dụng, đối tượng sẽ bị truy cứu TNHS về Tội tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng theo Điều 230 BLHS 1999 và Điều 307 BLHS 2015. Nếu khẩu súng đó là tương tự vũ khí quân dụng thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013.

Điều 123. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người thi hành công vụ;

d) Phạm tội nhiều lần;

đ) Đối với nhiều người.

3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người phụ nữ bị khống chế bằng súng K59 được giải cứu như thế nào?