Đầu năm 2018, dư luận quan tâm đến thông tin 260 giáo viên ở Yên Phong (Bắc Ninh); gần 300 giáo viên hợp đồng, có thời gian công tác từ 8 đến 23 năm ở huyện Thanh Oai (Hà Nội); gần 600 giáo viên ở Krông Pắk (Đắk Lắk)… đứng trước nguy cơ mất việc làm.
Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ từ 43 tỉnh, thành cho thấy, trước thềm năm học mới, các trường học đang thiếu gần 76.000 giáo viên, đặc biệt bậc mầm non thiếu đến 40.000 người. Tính đến ngày 15/8, cả nước có gần 310.000 giáo viên mầm non. Nếu so với định mức mà Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ thống nhất, số giáo viên mầm non còn thiếu khoảng 40.000 người.
Ở bậc tiểu học, số giáo viên còn thiếu gần 19.000 người. Trong khi đó, bậc THCS và THPT xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ. THCS thiếu 10.000 người nhưng cũng lại thừa 12.000 người, còn bậc THPT thì thiếu trên 3.000 giáo viên.
Các con số trên đây cho thấy thực trạng có nơi thừa giáo viên, có nơi thiếu giáo viên, thừa giáo viên môn này nhưng thiếu giáo viên môn khác… mà chỗ nào cũng trầm trọng. Nguyên nhân đầu tiên là do thiếu dự báo về số lượng học sinh trước các năm học. Nguyên nhân thứ hai là chỉ tiêu tuyển dụng không sát thực tế, nhiều nơi nhiều năm không có chỉ tiêu tuyển dụng vì nhiều lý do.
Bộ GD&ĐT nhận định, đội ngũ giáo viên đang thừa nơi này nhưng lại thiếu nơi khác, thừa môn này nhưng lại thiếu môn khác. Tình trạng thừa thiếu cục bộ xảy ra ngay trong quy mô nhà trường, trong một huyện và giữa các huyện trong một tỉnh.
Lý giải tình trạng thừa - thiếu giáo viên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, khi thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, nhiều địa phương phản ánh từ năm 2015 đến nay, họ không được giao chỉ tiêu biên chế, dẫn đến thiếu giáo viên các cấp học. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, dự báo ở các địa phương hạn chế dẫn đến tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên. Thừa ở THCS, THPT, thiếu ở mầm non, tiểu học.
Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các địa phương tiếp tục sắp xếp rà soát mạng lưới trường lớp theo hướng giảm điểm lẻ, tăng quy mô các trường để tiết kiệm định mức đầu tư cũng như biên chế. Đề nghị các địa phương điều tiết giáo viên từ nơi thừa sang thiếu, từ cấp học thừa sang cấp học thiếu để khắc phục tình trạng có học sinh mà không có giáo viên. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư để giảm tải cho trường công.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, giải quyết tình trạng này, một mình Bộ GD&ĐT khó có thể làm nổi do thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng, quản lý viên chức ngành giáo dục (giáo viên, nhân viên trong và ngoài biên chế) thuộc UBND các cấp và ngành nội vụ.
Vì vậy, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục, ngành nội vụ và các ban ngành liên quan trong việc điều tiết, quản lý sử dụng giáo viên. Ở tầm xa hơn là công tác quy hoạch, tuyển dụng của các trường sư phạm phải có tầm nhìn, bám sát với nhu cầu sử dụng, để không còn xảy ra điệp khúc thừa- thiếu giáo viên trước thềm mỗi năm học mới.