Nhiếp ảnh cũng giống như tất thảy những môn nghệ thuật khác, muốn sống và tồn tại trong địa hạt này, đam mê thôi chưa đủ, mà còn là sự may mắn được trời phú cho ít nhiều năng khiếu. Trần Đàm là một người may mắn!
Người nghệ sĩ không tuổi
Trần Đàm sinh năm 1940, quê ở Thiệu Giang, Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Sau nhiều năm viết và làm Thư ký Tòa soạn Báo Thanh Hóa, rồi 11 năm làm Giám đốc Nhà in báo Thanh Hóa, ông về hưu ở cái tuổi còn ấp ủ bao nhiêu dự định, bao trăn trở từ những cuộc sống bình dị quanh mình. Cất lo toan cơm áo, an nhàn tuổi hưu, ông bước vào nghề ảnh bằng đam mê nghệ thuật, bằng khao khát cống hiến không mệt mỏi, với tư trang là những trải nghiệm nghề báo, là vốn sống của hai phần ba cuộc đời.
Và những trang ảnh biết nói, biết cười, những trang ảnh sống cuộc sống rất đời, rất người đã đem lại cho ông nhiều thành công lớn lao qua tên những giải thưởng và khen thưởng. Nhưng ông nói: “Chỉ khi rẽ theo lối trái tim trăn trở, hướng ống kính về những phận đời nghiệt ngã, tôi mới thấy sự nghiệp nghệ thuật của mình có thành công”.
Từ năm 2000 đến nay, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đàm đã tổ chức 4 triển lãm ảnh cá nhân gây được tiếng vang trong dư luận; đã cho xuất bản hàng chục tập sách ảnh, trong đó nhiều tập đáng chú ý như: “Nét đẹp xứ Thanh”, “Hương rừng quê Thanh”, “Khoảnh khắc đẹp quanh ta”, “Du lịch Thanh Hóa”, “Biển mặn”, “Hoa trăm miền”, “Miền đất ta yêu”, “Hồn Đất tình Người”, “Miền tâm linh”... Thành công trong nghệ thuật nhiếp ảnh cứ đều đều mang đến cho nghệ sĩ Trần Đàm nhiều giải thưởng danh giá của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa và nhiều cuộc thi ảnh nghệ thuật của các địa phương, Bộ, ngành, quốc tế…
Ông cho biết, trước kia là người “ngoại đạo”, chẳng dính dáng gì tới nhiếp ảnh. Rồi những ngày đi công tác cùng với các nghệ sĩ nhiếp ảnh, niềm đam mê ấy đã truyền qua ông lúc nào không hay và ông bắt đầu cầm máy.
Nhiều người nghĩ nhiếp ảnh chỉ đơn giản là một cú bấm máy, chỉ cần vài giây là “chép” lại được đời thực, nhẹ tênh như không. Nhưng để có được vài giây ấy với Trần Đàm là cả một quá trình trải nghiệm và cả sự dấn thân.
Ông bảo “Để có bức ảnh đẹp đòi hỏi người cầm máy phải nhạy cảm, chớp được từng khoảnh khắc đẹp nhất của cuộc sống. Người cầm máy phải có tâm hồn phong phú, đam mê thật sự, phải đi nhiều, chụp nhiều, trải nghiệm nhiều mới rút ra được những kinh nghiệm quý giá. Khi đã thổi hồn vào tác phẩm, thông qua màu sắc, đường nét và những khoảnh khắc tuyệt vời sẽ đưa “đứa con tinh thần” của mình sống mãi với thời gian”.
Cứ thế, ở tuổi 78 nhưng nhìn Trần Đàm chẳng khác nào một nghệ sĩ trẻ với hừng hực lửa đam mê, nhiệt huyết và vẫn dồi dào sức khỏe. Hễ cứ có cơ hội là ông lại sẵn sàng lên đường, lại vùi đầu vào sáng tác. Hôm nay thấy ông lên với các bản vùng núi heo hút xứ Thanh, mai lại thấy ông khám phá dải đất Tây Bắc, ngày kia lại thấy dáng Trần Đàm còm cõi trên những trảng cát dài, đôi tay mang chiếc máy ảnh nặng trịch.
Ngoài nhiếp ảnh, đến nay tác giả Trần Đàm cũng đã cho xuất bản 3 tập thơ: “Dâng mẹ” (2002), “Xuân lòng” (2013), “Lời yêu” (2018). “Thơ tôi làm vui thôi, cái đắm đuối nhất với tôi vẫn là nhiếp ảnh”, nghệ sĩ Trần Đàm giãi bày.
Ông tâm sự: “Tôi thích chụp những vẻ đẹp bình dị của cuộc sống. Tôi chụp những gì tôi thích. Tuổi tác đối với tôi chỉ là con số. Đam mê không có tuổi. Nghệ thuật không có tuổi”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đàm
Những tác phẩm đậm hồn quê
Trần Đàm bảo, những kỷ niệm tuổi thơ đã đọng lại trong tâm trí của ông, thôi thúc ông phải hướng ống kính về quê hương, để tri ân vùng đất đã sinh ra ông và nuôi dưỡng tâm hồn ông.
Với chiếc máy ảnh, nghệ sĩ Trần Đàm vẫn thường xuyên rong ruổi đó đây trên mảnh đất xứ Thanh bình dị mà nên thơ để tìm nguồn cảm hứng sáng tác. Ông cần mẫn bước đi trên con đường nghệ thuật mình đã chọn với niềm say mê mãnh liệt để rồi lại trăn trở với những đề tài và bắt đầu cho những cuộc săn tìm khoảnh khắc mới với mong muốn thổi hồn cuộc sống đời thường qua những tấm ảnh của mình.
Ảnh của Trần Đàm dù là ảnh sinh hoạt, ảnh phong cảnh hay ảnh chân dung,… đằng sau chúng, bao giờ cũng là một khát vọng sống, một khát khao sống, và một khát khao vươn tới những điều tốt đẹp.
Xem ảnh của ông dễ dàng cảm nhận được những nét riêng, khó có thể trộn lẫn với các tác giả khác. Điều này được thể hiện rõ qua chủ đề được tác giả chọn lựa; sự hài hòa trong bố cục, đường nét, ánh sáng. Trần Đàm không chạy theo một trường phái nào cả. Ảnh của ông tìm cái đẹp cổ điển, chân phương, rất gần với hội họa do bố cục, đường nét, màu sắc. Và không đơn thuần là phản chiếu cuộc sống, mỗi bức ảnh tác giả còn như muốn chuyển tải những thông điệp, những triết lý sâu xa.
Như cách ông mang ra giới thiệu và tự sự về những bức ảnh của mình: “Đất - nơi ta sinh ra, nơi đi những bước đi chập chững đầu tiên. Đất - nơi ta khôn lớn, thấm khô, cảm nhận vị mặn của những giọt nước mắt đắng cay, nhọc nhằn của cuộc sống trong hành trình tồn tại, hết một chặng đời đất lại ôm ta vào lòng. Thời gian cho ta lớn khôn, cho ta dại khờ. Thời gian cho ta tất cả rồi lại lấy đi tất cả, hư không lại trả về hư không...”.
Tác phẩm “Người giữ lửa làng nghề đúc đồng Đông Sơn” trưng bày triển lãm tại Hy Lạp và Tiểu vương quốc Ả Rập
Chợt giọng ông chùng xuống, trầm tư: “Thật lạ, quê hương mình có dài rộng lắm đâu mà đi mãi không hết - trong nghệ thuật nhiếp ảnh! Tôi càng đi càng thấy thiêu thiếu một cái gì đó, một cái gì đó chưa nắm bắt được. Đã rất nhiều lần tôi tự hỏi, phải chăng mình chưa thực sự cháy hết mình để mỗi khuôn hình, mỗi bức ảnh tự nó ngân lên được giai điệu thật riêng biệt của xứ Thanh quê hương?”.
Nhưng cần gì phải diễn giải thành câu, thành chữ. Tự những bức ảnh của Trần Đàm đã nói lên rất nhiều. Đây là một góc sân gạch với những họa tiết hoa văn đơn sơ được ông chụp với sự phối sáng mờ ảo, toát lên mảng màu “đất và thời gian”. Kia là bức đen trắng chân quê rơm rạ, tuổi thơ ẩn chìm trong ký ức thời gian và sáng bừng lên dưới ánh sáng trong veo tinh khiết. Có khi chỉ là một nhánh cây với mấy cái lá xanh mọc trên một bức tường già cỗi hay mọc trên một gốc cây khô. Đề tài không có gì mới. Vẫn chỉ là những hình ảnh quanh ta. Nhưng góc chụp của Trần Đàm khá độc đáo, nó toát lên sự hóm hỉnh, sự trong trẻo, chắt lọc những khoảnh khắc tuyệt vời của ánh sáng; lại khá tinh tế trong bố cục xử lý mảng màu tối sáng, đậm nhạt; sự chuyển động tài tình của tư duy sau mỗi bức ảnh...
Trần Đàm quan niệm rằng, phần thưởng cao quý nhất dành cho người nghệ sĩ không phải là các giải thưởng, mà điều quan trọng là những tác phẩm đó được người xem đón nhận và hiểu hết được cái hồn của tác phẩm mà người nghệ sĩ đã gửi gắm vào trong đó.
Với những cuốn sách ảnh đẹp về quê hương xứ Thanh và những chuyến đi về sắp đến, Trần Đàm đã, đang và sẽ bước tiếp hành trình ấy, hành trình kết nối giữa những trái tim, và tình yêu cho quê hương núi Hàm Rồng, sông Mã.