Ngăn thực phẩm bẩn từ biên giới

Nam Hoàng| 14/10/2016 07:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong nhiều năm qua, tình trạng nhập lậu các mặt hàng thực phẩm bẩn từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn rất phức tạp, nhất là vào các tháng cuối năm.

Trước tình hình đó, lực lượng chức năng ở nhiều địa phương đã và đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát với mục tiêu cao nhất là nhằm ngăn chặn dòng thực phẩm bẩn ngay từ biên giới.

Thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi

Quảng Ninh là tỉnh có địa bàn rộng, có đường biên giới trên biển và trên bộ dài với nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở với Trung Quốc, nên rất khó khăn cho công tác kiểm tra và kiểm soát thực phẩm qua biên giới. Thực phẩm được cung cấp từ nhiều nguồn đa dạng. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Trong thời gian qua, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường việc quản lý và kiểm soát của các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu và kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm với mục tiêu cao nhất là bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng.

Theo Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016 đã có trên 70 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới bị bắt giữ, trong đó hơn 20 vụ vận chuyển thực phẩm nhập lậu. Điển hình cuối tháng 4/2016, lực lượng hải quan tỉnh đã thu giữ 750 tấn bột thực phẩm công nghiệp, 4 tấn cá trắm và trên 1,1 tấn sò lông... Đáng lo ngại là hầu hết thực phẩm nhập lậu bị bắt giữ đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, hạn sử dụng, không có giấy tờ hợp pháp và chưa qua kiểm dịch. Có trường hợp hàng hoá đang trong quá trình phân hủy.

So với các mặt hàng khác, thực phẩm nhập lậu thường mang lại siêu lợi nhuận, khiến nhiều thương lái bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng, sức khoẻ của người tiêu dùng. Thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng là chia nhỏ, xé lẻ hàng hóa, thuê “cửu vạn” vận chuyển qua các đường mòn, lối mở dọc theo biên giới đưa vào các chợ, bến xe và trung tâm thương mại. Sau đó, hàng hóa sẽ được tập kết lên các xe container, xe tải và xe khách tuyến Móng Cái đi Cẩm Phả, Hải Phòng, Đông Triều, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Nam Định và các tỉnh khác trong nội địa.

Ngăn thực phẩm bẩn từ biên giới

 Lực lượng chức năng Quảng Ninh tiến hành tiêu hủy thực phẩm bẩn 

Xác định các loại thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, thường có nguy cơ cao không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh, tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khoẻ người tiêu dùng, các lực lượng chức năng của Quảng Ninh như: Hải quan, Công an, Quản lý thị trường đã chủ động xây dựng kế hoạch và phương án đấu tranh, ngăn ngừa, với quyết tâm ngăn chặn thực phẩm “bẩn” nhập lậu ngay từ biên giới. Đặc biệt chú trọng đến công tác tăng cường tuần tra; xây dựng củng cố, mạng lưới cơ sở bí mật, cập nhật thông tin về địa bàn, tuyến đường trọng điểm, đối tượng trọng điểm cũng như phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu; thực hiện nghiêm quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các lô hàng thực phẩm nhập khẩu, trong đó, lưu ý kiểm tra kỹ về nguồn gốc xuất xứ, giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký và giấy chứng nhận chất lượng hàng hoá.

Đối với những lô hàng có thông tin, dấu hiệu nghi vấn sẽ tiến hành kiểm tra thực tế hàng hoá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cộng đồng dân cư, vận động nhân dân không tiếp tay cho buôn lậu và tích cực tố giác tội phạm; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng để tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh, phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Móng Cái cho biết: Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ATTP, thời gian qua, TP. Móng Cái đã đưa ra một số giải pháp, cụ thể như: Tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông về công tác ATTP nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong doanh nghiệp, các cơ sở và nhân dân về việc sản xuất, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những vi phạm về mất vệ sinh ATTP, công bố công khai cơ sở vi phạm; tạo điều kiện và chỉ đạo tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch trên địa bàn; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các địa phương trong công tác đảm bảo ATTP.

Song song với đó là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn; đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các loại thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và kém chất lượng... Trong đó, tập trung vào các địa bàn trọng điểm thuộc khu vực biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên bộ và trên biển; các chợ đầu mối tập trung…

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịp giáp Tết

Với đường biên dài hơn 231km, giáp với Trung Quốc, có nhiều đường mòn, lối tắt được các đối tượng buôn lậu lựa chọn để vận chuyển, tập kết hàng hóa đã thành những cái tên nổi tiếng như: Khu vực Gốc Nhãn, Gốc Bưởi, Hang Dơi, Ma Mèo… trong nhiều năm qua Lạng Sơn cũng là một trong những địa bàn hết sức phức tạp trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại của cả nước. Trong đó có công tác đấu tranh ngăn chặn các đối tượng buôn lậu thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc như: thịt gia súc, gia cầm, nội tạng gia súc… Địa bàn hoạt động của các đối tượng này trải rộng dọc tuyến biên giới. Điểm tập kết thường là các bãi đất trống, khu vực hẻo lánh cách xa khu dân cư và thay đổi thường xuyên để tránh sự phát hiện của các lực lượng chức năng.

Trước thực trạng đó, hằng năm, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Lạng Sơn luôn chủ động lập kế hoạch cụ thể để tổ chức đấu tranh ngăn chặn các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm lậu. Ông Hoàng Ngọc Lâm, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn cho biết: Các đội phụ trách địa bàn thường xuyên phối hợp cùng các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát tại các điểm nóng, khi nhận được thông tin sẽ có các đối tượng vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm qua địa bàn, không kể ngày hay đêm đều tổ chức cán bộ chặn, bắt. Đồng thời chú trọng công tác dân vận, tuyên truyền người dân không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, khi phát hiện các hành vi sai phạm lập tức thông tin đến các đội nghiệp vụ phụ trách địa bàn để có biện pháp xử lý.

Ngăn thực phẩm bẩn từ biên giới

Gia cầm nhập lậu bị Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ

Song song với việc đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và thực phẩm không rõ nguồn gốc, năm 2015, lực lượng QLTT đã tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, tập trung ở khu chợ đầu mối, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Qua đó đã kịp thời phát hiện những vụ vi phạm nghiêm trọng. Lãnh đạo Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết, để đảm bảo ổn định thị trường cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm trong những tháng cuối năm, nhất là vào dịp giáp Tết, lực lượng QLTT sẽ đẩy mạnh công tác đấu tranh chống các hành vi sai phạm và khi phát hiện sẽ kiên quyết lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định. Đặc biệt, đối với những cơ sở kinh doanh thực phẩm đã từng phát hiện sai phạm mà vẫn cố tình tái phạm sẽ bị xử lý ở mức cao nhất, thậm chí cán bộ QLTT có thể đề xuất tịch thu giấy phép kinh doanh.

Tuy có sự vào cuộc quyết liệt của nhiều ngành, nhiều cấp ở nhiều địa phương như vậy, nhưng trên thực thế,vì nhiều lý do mà thực phẩm bẩn nhập lậu vẫn tràn lan trên thị trường, gây ra những hệ lụy cả trước mắt cũng như lâu dài. Ngoài việc các đối tượng ngày càng tinh vi, một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng này là do chế tài xử phạt hành vi vi phạm về vệ sinh thực phẩm chưa đủ sức răn đe, khiến các đối tượng vẫn không "chùn tay", bất chấp sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Một trong những thủ đoạn mà bọn buôn lậu thường sử dụng là "vô chủ hóa" hàng nhập lậu khi bị bắt giữ, nghĩa là chúng thuê các cửu vạn xé lẻ thực phẩm bẩn thành từng lô nhỏ để vận chuyển qua biên giới, khi bị phát hiện thì quẳng hàng bỏ chạy.

Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn được thực phẩm bẩn nhập lậu, cần một giải pháp đồng bộ và các chế tài nghiêm ngặt hơn, trong đó, quan trọng nhất là tăng cường tuần tra, kiểm soát phòng, chống thực phẩm bẩn nhập lậu qua biên giới, tập trung vào các khu vực biên giới, cửa khẩu trọng điểm. Cùng với đó, không chỉ cần cơ quan chức năng vào cuộc, đấu tranh với hoạt động buôn lậu thực phẩm bẩn, mà còn phải xử lý nghiêm các trường hợp mua bán các mặt hàng này tại các chợ ở trong nội địa, tập trung điều tra, đối tượng trọng điểm, tổ chức xét xử lưu động, góp phần giáo dục, tuyên truyền để người tiêu dùng nói không với các mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Và, điều quan trọng nhất vẫn là gắn trách nhiệm của các cơ quan, địa phương, cá nhân vào việc ngăn chặn nạn vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn. Địa phương, đơn vị nào để xảy ra vụ việc liên quan hoặc buông lỏng, thiếu tinh thần trách nhiệm, phải bị xử lý trách nhiệm cá nhân theo quy định của pháp luật. Có như vậy mới ngăn chặn, kiểm soát được hoạt động buôn lậu thực phẩm bẩn đang từng ngày, từng giờ xâm nhập vào thị trường nước ta. Đặc biệt cần có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ nhằm ngăn chặn ngay từ biên giới.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn thực phẩm bẩn từ biên giới