Trong phiên chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của UBTVQH, thực trạng giải quyết các vụ án tham nhũng được nhiều đại biểu quan tâm. Trả lời chất vấn, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã đưa ra giải pháp chú trọng, nâng cao hiệu quả thu hồi tiền, tài sản đối với các bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Đã xét xử 12.244 vụ án kinh tế, tham nhũng
Tại Phiên họp thứ 21 của UBTVQH, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, để tạo sự chuyển biến căn bản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Tòa án mà trọng tâm là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, năm 2017, lần đầu tiên hệ thống TAND tổ chức hội nghị chuyên đề về nâng cao chất lượng xét xử với thành phần tham dự là Chánh án TAND, Tòa án quân sự các cấp để thảo luận và thống nhất thông qua 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử.
Nhấn mạnh việc giải quyết, xét xử các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, trong 5 năm qua (từ 2018-2022), các Tòa án đã thụ lý 12.723 vụ với 26.376 vụ; đã giải quyết, xét xử được 12.244 vụ với 25.144 bị cáo; trong đó, năm 2022, các Tòa án đã thụ lý 3.405 vụ với 7.653 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 2.926 vụ với 6.421 bị cáo.
Các vụ án kinh tế, tham nhũng mà Tòa án đã xét xử chủ yếu là phạm các tội về “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”, “Tham ô tài sản”, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”... Quá trình giải quyết, các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; đồng thời, chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại. Đã xử lý nghiêm các vụ án, nhất là những vụ án gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm; đồng thời chú trọng tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với các bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp và nhiều ĐBQH quan tâm việc thực hiện chính sách pháp luật về thi hành án và thu hồi tài sản tham nhũng. Theo đó, các đại biểu chỉ ra rằng, trong thời gian qua việc thu hồi tài sản vẫn còn ít, chưa đạt kỳ vọng.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương- Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang nêu rõ, báo cáo của TANDTC cho biết, một trong những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc giải quyết các vụ án hình sự, kinh tế, tham nhũng là do nhận thức giữa các cơ quan tố tụng về một số vấn đề do quy định của pháp luật còn chưa thống nhất. Đại biểu đề nghị Chánh án cho biết giải pháp căn cơ nhất để khắc phục những hạn chế liên quan đến vấn đề này.
Đại biểu Bùi Mạnh Khoa- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc thu hồi tài sản các vụ án về kinh tế, tham nhũng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, ghi nhận. Qua theo dõi, hiện nay một số vụ việc người phải thi hành án có nhiều tài sản và đã được kê biên để đảm bảo thi hành án, nhưng việc thu hồi sản vẫn chậm. Nguyên nhân được cho là vướng mắc trong xử lý tài sản chung, tài sản riêng, đây được coi là một điểm nghẽn. Đại biểu đề nghị Chánh án cho biết quan điểm, hướng xử lý của ngành về vấn đề này. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Bộ Tư pháp cho biết quan điểm, hướng xử lý về vấn đề trên.
Nâng cao chất lượng điều tra
Trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn trong việc giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng. Cụ thể, quá trình giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, các Tòa án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; thực hiện quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, quyền, nghĩa vụ của Quản tài viên, việc giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, quyền, nghĩa vụ của người tham gia thủ tục phá sản, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; về tạm ứng chi phí phá sản, chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, về giải quyết việc đình chỉ thi hành án dân sự, giải quyết vụ việc liên quan vụ việc phá sản…
Về tăng cường thu tài sản tham nhũng, theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, trên thế giới cũng như Việt Nam việc thu không hoàn toàn triệt để. Theo tổng kết 10 năm chúng ta thu được 40% số tài sản tham nhũng. Đây là con số rất đáng ghi nhận, biểu dương của các cơ quan tiến hành tố tụng. Để nâng cao hơn nữa, chỉ thu hồi những tài sản tham nhũng nếu quá trình tố tụng các cơ quan chứng minh được tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Muốn thu hồi được thì công tác chứng minh phải rất chất lượng. Do đó, cần nâng cao chất lượng điều tra và kịp thời phong tỏa tài sản. Trên thế giới có cơ chế thu hồi tài sản của nghi can tham nhũng mà không giải trình được nguồn gốc. Nếu làm được điều này có thể tăng cao hơn nữa tỉ lệ thu hồi.
Cùng tham gia trả lời tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, đây là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, nhưng còn một số tồn tại, hạn chế. Theo Bộ trưởng, thời gian tới, cần tăng cường bám sát, thực hiện tốt chỉ thị của Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung vào các vụ án lớn đang được xã hội quan tâm, thường xuyên báo cáo Chính phủ để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ này.
Đồng thời, Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan dân cử, Đoàn ĐBQH tăng cường quá trình giám sát để tập trung vào việc này; hạn chế tẩu tán, dấu các tài sản tại các vụ tham nhũng, vụ án kinh tế.