Bây giờ, đi lễ hội giống như một phong trào thời thượng, một kiểu đua đòi. Tổ chức lễ hội cũng vì thế mà hào nhoáng, nhộn nhịp đến hỗn loạn. Con người tự tin và kiêu hãnh đi vào lễ hội, bùng nổ tứ phía âm thanh, sắc màu, động thái...
Phú quý có phải sinh lễ nghĩa?
Mùa lễ hội năm nay kéo dài hơn năm trước, cho đến bây giờ, gần hết tháng Giêng Âm lịch, vẫn thấy người ta í ới rủ nhau đi lễ. Năm nay hình như cũng nhiều lễ hội hơn năm trước, mấy tỉnh học theo mô hình “phát ấn đền Trần” của Nam Định để tự tổ chức những lễ phát ấn của riêng tỉnh mình, thu hút hàng ức vạn khách thập phương.
Lễ hội ngày xưa theo như phản ánh của các tài liệu dân tộc học, qua những bức ảnh chụp trước 1945 cho thấy đúng là nghèo nàn và lạc hậu. Nó phô diễn một xã hội phong kiến thuộc địa tù túng, đói khổ, rách rưới và u buồn của những người đang sống mòn và chết mòn. Hiện giờ, do sự phát triển kinh tế, do nhu cầu tín ngưỡng ngày càng lớn của người dân, lễ hội trở nên đông đúc và xô bồ. Ai cũng hồ hởi đi lễ hội để cầu lộc, cầu tài, cầu danh vọng.
Thế nhưng, thực tế hiện nay, nhiều người không biết mình đang đến đình, đền, chùa nào, thờ ai, đến làm gì, cầu gì… Đại đa số đang trong tình trạng lu mờ về sự hiểu biết tín ngưỡng lễ hội bởi vậy sẽ dẫn tới hành động "loạn". Ví dụ như vụ việc đánh nhau ở Sóc Sơn, lễ hội đền Trần cũng xô bồ như thế vì hiểu không đúng về lễ hội. Đây là một nút thắt. Vấn đề bây giờ làm thế nào để người dân phải hiểu đúng về đời sống tín ngưỡng lễ hội để hành động cho đúng.
Đánh nhau ở Hội đền Gióng, Sóc Sơn, Hà Nội
Ngoài ra, vấn đề gây ra nhiều hệ lụy là hiện nay một số cơ sở tín ngưỡng, người dân và người quản lý bị trục lợi hóa. Trục lợi với đời sống thường nhật đã nguy hiểm nhưng đồng tiền thâm nhập đến đời sống tín ngưỡng sẽ phá hoại nề nếp. Ví như sự mê tín. Chính tư tưởng mê tín tạo nên hiện tượng buôn thần bán thánh nở rộ: bói toán, xóc thẻ, xin xăm, viết sớ, đốt mã... trở thành một vấn nạn. Tất cả những cái đó đều là những tín ngưỡng có tính chất mê tín rõ rệt và kéo một số lượng rất đông người đến lễ bái, góp phần tạo nên sự quá tải của không gian lễ hội.
Hơn nữa, để ý kỹ sẽ nhận thấy vai trò chủ thể của người dân đối với lễ hội ngày càng mai một. Đúng ra, lễ hội đều được tổ chức dựa vào ý chí, mong muốn của người dân địa phương. Tuy nhiên, có tình trạng chính quyền, cơ quan ra lệnh cho người dân phải làm thế nọ, thế kia là không được. Đây là lễ hội của người dân và các cơ quan phải hướng dẫn, trợ giúp cho dân làm cho tốt chứ không phải làm thay người dân.
Bao giờ cho đến ngày ... ngoan?
Đã có không ít tiếng nói của các bậc trí sỹ mong muốn chấn chỉnh sự nghiêm túc của các lễ hội. Ví dụ, từ năm 2011 đến nay, tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học Việt Nam) đã kiên trì giảng giải và đưa ra các luận chứng cụ thể rằng lễ hội khai ấn đền Trần Tức Mặc (Nam Định) là một xuyên tạc lịch sử. Hoặc, GS-TS Ngô Đức Thịnh (nguyên Viện trưởng Viên nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam) cũng không ít lần tâm tư rằng hiện nay việc đi lễ của người dân đang bị quá đà vì ý thức đi lễ không xuất phát từ cái tâm mà vì sự hám lợi của vật chất. Việc nhét tiền vào tay Phật, rải tiền lẻ vô tội vạ chẳng khác nào hành vi “hối lộ” thần thánh, mà điều này là vô cùng cấm kỵ bởi đạo Phật luôn hướng con người hướng thiện, tin ở nhân quả, tu tại tâm.
Sự bức xúc về biến tướng của lễ hội còn làm nóng không khí cuộc họp giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hôm 14/2 vừa qua. Thậm chí, bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phải nhấn mạnh: “Thủ tướng nói những việc đó (quản lý lễ hội), các cơ quan quản lý nhà nước lên tiếng, nhưng riêng Bộ VH-TT-DL lại chìm lắng, không lên tiếng phản hồi. Thủ tướng nói, nếu Bộ trưởng ngại lên tiếng thì báo cáo để Thủ tướng có ý kiến”.
Bên cạnh yếu tố mang tính bạo lực thì ở một số lễ hội vẫn còn để xảy ra các hiệu tượng mang tính phản cảm trong lễ hội... Ảnh minh hoạ.
Ở nhiều địa phương, bản thân người tổ chức lễ hội đã bắt đầu có những động thái tu chính để lễ hội trở lại đúng với bản chất tốt đẹp. Cụ thể, sau khi bị dư luận chỉ trích nặng nề, người dân làng Ném Thượng (Tp. Bắc Ninh) đã chấm dứt chém lợn giữa sân đình, thay vào đó là chém trong nhà kín. Hay là, tại lễ hội đền Chín Gian ở xã Châu Kim (Quế Phong, Nghệ An), những năm trước có tục chém trâu để tế thần linh, song, hiện nay đã bỏ lệ này, thay vào đó người dân chỉ làm động tác chém trâu lấy may...
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nước ta có khoảng 8.000 lễ hội, 2/3 trong đó diễn ra vào dịp đầu năm. Nếu lễ hội tiếp tục bị biến tướng, đó sẽ là một nguy cơ lớn, kéo theo nhiều hệ lụy rõ ràng như tiêu tốn thời gian lao động, tiêu tốn tiều bạc, gây ra nhiều vụ xô xát ... Chính vì thế, ngay lúc này, cả xã hội cần mạnh mẽ hành động để trả lại sự tốt đẹp cho hoạt động lễ hội.