Khoảng chục năm về trước, hưởng ứng lời kêu gọi lập làng nơi biên viễn, 52 cặp vợ chồng trẻ người Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì đã ngược sông Hồng tìm về mảnh đất Trịnh Tường rồi dựng lên Làng Thanh niên lập nghiệp...
Thật khó để đong đếm hết được những cam khó của cái “thuở ban đầu” ấy, nhưng giờ đây đất cũng như người ở nơi này đã và đang dần “xanh cây, ấm bụi”.
Gian khó những ngày đầu
Giờ, nhìn một màu xanh trù phú ngút ngàn, nhìn bóng cờ trên mấy chục nóc nhà ở Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên giới Trịnh Tường (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), người ta sẽ cảm thấy lòng thêm ấm áp và vững tin hơn về mảnh đất và con người nơi phên giậu của Tổ quốc. Cả dải đất nằm bên mép nước sông Hồng tím ngát sim mua, cằn khô cát sỏi được san lấp, làm đường, dựng nhà, hình thành nên 3 bản: Tân Tiến, Tàng và Vĩ Lầu. Sau ngót nghét một thập kỷ, giờ đây, đất cũng như người đã “xanh cây ấm bụi”. Từ 52 cặp vợ chồng trẻ theo lời kêu gọi "ra biên lập làng", đến nay làng thanh niên đã có hơn 120 hộ an cư lạc nghiệp.
Một góc Làng Thanh niên lập nghiệp Trịnh Tường
Với sức trẻ, trí tuệ và ý chí vượt qua mọi gian khó, những chàng trai, cô gái Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì đã phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ để cùng lập làng, lập nghiệp trên vùng đất xa xôi này, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng nơi ải Bắc. Dẫu chưa thật giàu có bởi đất đai không thuận, dẫu chưa thật trù phú bởi khí hậu không thuần, nhưng ngan ngát dứa, mươn mướt chuối tạo nên một không gian mênh mông biên ải, khiến chúng tôi cảm nhận thật rõ khát vọng tuổi trẻ đang tràn ngập trên làng trẻ.
Con đường dẫn vào trung tâm Làng Thanh niên đã được đổ bê tông chắc chắn, ngay đầu đường là chiếc cổng chào với tấm biển sơn màu xanh rất "Biên phòng" đề chữ trắng "Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Trịnh Tường". Dẫn đường cho chúng tôi là 2 "thổ công" của Trịnh Tường: Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Thắng và Chính trị viên Đồn BP Trịnh Tường Đinh Văn Hiệp. Trên dọc đường đi, anh Thắng cho biết, dự án trên đã được Nhà nước và Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn Lào Cai đặc biệt quan tâm. Từ những ngày đầu, mỗi hộ thanh niên tham gia làng được hỗ trợ 30 triệu đồng theo chương trình di dân ra biên giới. Các căn nhà được quy hoạch cụ thể, được xây kiên cố với diện tích tối thiểu từ 50m2. Đến nay, nhiều hộ đã xây được nhà lớn trị giá hàng trăm triệu đồng như anh Đặng Văn Thức, Lò Văn Lỳ, Sẻ Văn Hiểu, Thào A Giàng, Lý A Chơ…
"Điểm đến" đầu tiên là nhà của Trưởng bản Tàng: Lý A Sùng - người đầu tiên viết đơn tình nguyện lên lập nghiệp, cùng gia đình ra sát đường biên dựng nhà để sinh sống và sản xuất. Trước đây, bản Tàng của Sùng nằm sâu trong nội địa, đất đai canh tác vừa thiếu, vừa bạc màu. Khu đất rộng cả ngàn héc-ta của bản mới bà con cũng từng khai phá nhưng rồi đành bỏ hoang vì đường sá xa xôi, khó cho việc chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Giờ thì 1.000 ha đất hoang ấy đã ngời ngợi màu xanh kể từ ngày Lý A Sùng cùng hàng chục thanh niên ở bản cũ ra đây lập nên một bản Tàng mới nằm ngay sát dòng Lũng Pô, khởi thủy của sông Hồng.
“Từ ngày ra đây, mỗi năm nhà Sùng thu hoạch đến cả trăm bao thóc, cả tấn ngô, bán đi mua được máy cày, xe máy, ti vi…”, mắt Lý A Sùng hấp háy vui khi nói về cuộc sống mới. Ông Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn trẻ này từng vinh dự được về Hà Nội năm 2011 nhận Giải thưởng Lương Đình Của - giải thưởng dành cho những thanh niên nông thôn tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh.
Tương tự như các hộ dân ở bản Tàng, tại bản Tân Tiến, bản Vĩ Lầu, các hộ thanh niên ra đất mới cũng đã ổn định cuộc sống, chăm chỉ làm ăn và gặt hái được nhiều thành công. Suốt 8 năm qua, biết bao mồ hôi, công sức đổ xuống đất để gây dựng nên thành quả hôm nay. Cư dân của Làng thanh niên lập nghiệp đến nay đã lên tới 120 hộ với hơn 300 khẩu. Trong đó, dân tộc Mông 45 hộ, dân tộc Giáy 30 hộ, dân tộc Dao 21 hộ và xen kẽ một số hộ người Kinh, người Mường và người Hà Nhì. Cả ba bản đều có điện lưới cấp đến từng hộ gia đình và có điểm trường mầm non cho trẻ nhỏ.
Đất không phụ công người
Theo đánh giá của Tỉnh đoàn Lào Cai, Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Trịnh Tường đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Trong đó, đặc biệt quan trọng là đã tạo việc làm cho thanh niên và nhân dân trong vùng Dự án, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng tại địa bàn biên giới. Bằng phương pháp huy động mọi nguồn lực, đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án của địa phương và liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp, mô hình Làng Thanh niên lập nghiệp đã nhanh chóng phát huy được yếu tố nội tại của mình, thông qua sự nỗ lực của chính quyền cũng như các hộ gia đình thanh niên.
Anh Lò Văn Lai: “Nhờ có dự án lập làng, giờ vợ chồng tôi mới no ấm được như ngày hôm nay”
Đến nay, sản lượng lương thực quy thóc đảm bảo bình quân từ 360kg đến 480kg/người/năm. Mỗi hộ trung bình nuôi từ 2 đến 3 con trâu bò, 5 con lợn và đàn gia cầm hàng trăm con. Điều đáng phấn khởi là, vùng đất hoang trước đây đã được khai phá thành 38,2ha lúa nước cùng hàng trăm héc-ta cây lâu năm, cây công nghiệp và rừng sản xuất…
"Đất sản xuất được khai phá nhiều thêm, những tiến bộ khoa học kỹ thuật được hướng dẫn tận tình nên năng suất cây trồng cao hơn, cuộc sống các hộ trong làng ổn định hơn nơi cũ. Dự án trồng cao su của làng đã tạo thêm công việc cho thanh niên đi làm công nhân cao su trên tỉnh. Ở bản cũ làm sao được như thế này", anh Lò Văn Lai, người dân tộc Giáy, một trong những cư dân đầu tiên của Làng Thanh niên, giãi bày. Vào làng từ năm 2009, vợ chồng anh đã dành dụm để xây được một căn nhà mái bằng khang trang và có thêm lưng vốn là một đàn bò, lợn lên đến gần 30 con và 2ha rừng măng và một máy xay xát, cứ đến vụ là chạy hết tốc lực.
Điều dễ nhận thấy, hiệu quả đem lại của Làng Thanh niên lập nghiệp Trịnh Tường hôm nay, có dấu ấn đáng kể của những người lính quân hàm xanh Lào Cai. Trước thực trạng làng mới thiếu nguồn nước sinh hoạt và sản xuất vào mùa khô, Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai và Phòng Kinh tế BĐBP đã lập dự án, triển khai xây dựng hệ thống thủy lợi để đưa nước phục vụ canh tác và sinh hoạt cho người dân với tổng số vốn gần 15 tỷ đồng.
Chỉ trong 5 tháng thi công, BĐBP Lào Cai cùng nhà thầu xây dựng đã hoàn thành và bàn giao công trình thủy lợi Trịnh Tường cho chính quyền địa phương tuyến kênh bê tông kiên cố dài hơn 7km chạy qua 3 bản. Từ khi dự án đi vào vận hành đến nay đã phục vụ tưới tiêu cho toàn bộ diện tích lúa và chuối cao sản trong vùng. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi còn bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt và hệ thống ao hồ cho các hộ dân trong vùng dự án, chấm dứt hiện tượng mất đoàn kết và tình trạng di dân do thiếu nước trong vùng. Vào nhà anh Đặng Văn Thanh thuộc bản Tân Tiến nằm ở cuối nguồn dự án cấp nước của BĐBP, vẫn thấy dòng nước bạc ào ạt đổ về từ đỉnh núi. 3ha chuối, dứa, một trang trại lợn rừng và một hồ cá rộng 2.000m2 sinh lợi cho cặp vợ chồng người Dao biết tính toán làm ăn này mỗi năm gần 200 triệu đồng. Tất cả các gia đình đều tích cực tăng gia sản xuất đã khiến chuối, dứa cao sản, giống sắn 98-1 (loại sắn cao sản trồng trên địa hình đất dốc) đang dần trở thành thương hiệu hàng hóa của Làng thanh niên nơi ải Bắc này. Những cư dân lập làng nhiều năm nay đã được tiếp cận với các dự án về phát triển bền vững và được đầu tư nhiều công trình hạ tầng mới, đảm bảo tốt cho sinh hoạt, lao động và học tập.
Và, hình ảnh đẹp nhất của Làng đọng lại trong chúng tôi là những lá cờ Tổ quốc treo trước cửa. Ánh vàng sao nổi bật trên rộn rã xanh đất trời, cỏ cây hoa lá chốn biên thùy. Lá cờ là lời hứa của những thanh niên dân tộc thiểu số thời đại mới, quyết gắn bó trọn đời với vùng đất địa đầu, để biên cương từng bước chuyển mình hòa nhịp phát triển cùng vận mệnh của đất nước. Từ hiệu quả của Làng Thanh niên lập nghiệp Trịnh Tường, giữa năm 2014, Tỉnh đoàn Lào Cai đã khởi công Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp xã biên giới Lùng Vai, huyện Mường Khương. Với diện tích 1.200ha đất tự nhiên dành cho 160 hộ thanh niên, rồi đây, những ngôi nhà nơi biên cương phía Bắc này sẽ tràn đầy sức trẻ và tình yêu Tổ quốc.