Kinh doanh đa cấp biến tướng: Ngày càng tinh vi, phức tạp

Trần Lan| 20/09/2016 16:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiện tượng kinh doanh đa cấp biến tướng để cung cấp dịch vụ, giao dịch tiền ảo, huy động tài chính nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tham gia xuất hiện ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp và khó lường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân.

6 tháng xử phạt 36 doanh nghiệp gần 6,5 tỷ đồng

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Chỉ thị số 02 về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm phát luật trong hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra chiều 19/9/2016, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Trịnh Anh Tuấn cho biết, 06 tháng vừa qua, Cục đã điều tra, xử phạt 36 doanh nghiệp với số tiền xử phạt gần 6,5 tỷ đồng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đối với 09 doanh nghiệp. Cục cũng tiếp nhận và xử lý 123 khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp, trong đó có 38 khiếu nại không thuộc thẩm quyền xử lý của Cục nên đã được chuyển tới các cơ quan chức năng để xử lý, trong đó có cả cơ quan cảnh sát điều tra và Tổng cục Thuế.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, 48 sở Công Thương đã tiến hành kiểm tra doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành trên cả nước. Kết quả cho thấy 26 doanh nghiệp trên tổng số 48 công ty nằm trong diện kiểm tra có dấu hiệu vi phạm và bị xử phạt với số tiền lên tới gần 4,5 tỷ đồng.

Kinh doanh đa cấp biến tướng: Ngày càng tinh vi, phức tạp

Cơ quan chức năng đã xử phạt 36 công ty vi phạm kinh doanh đa cấp. Ảnh: Dân trí

Các vi phạm phổ biến gồm không đăng ký hoạt động, tự ý thay đổi hồ sơ, khuyến mãi “chui”, tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo mạng lưới quy mô lớn mà không thông báo, không xin... Bên cạnh đó, các sở Công Thương cũng kiểm tra chuyên đề và xử lý 11 doanh nghiệp bán hàng đa cấp nhưng chưa có giấy chứng nhận với tổng số tiền phạt là 653 triệu đồng.

Theo báo cáo từ 63 Chi cục Quản lý thị trường, từ đầu năm 2015 đến nay, các cơ quan Quản lý thị trường địa phương đã kiểm tra, xử lý 353 vụ việc liên quan đến kinh doanh đa cấp với tổng số tiền phạt là gần 5 tỷ đồng.

Những con số thống kê nêu trên cho thấy, thời gian qua cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý mạnh tay với các vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, những biến tướng lừa đảo đội lốt đa cấp vẫn đang xuất hiện. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết hiện có nhiều hiện tượng bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng để lừa đảo như huy động tài chính qua tiền ảo…Theo ông, với quy mô số người tham gia bán hàng đa cấp lên tới 1,2 triệu người vào cuối năm 2015, dù không phải công ty đa cấp nào cũng vi phạm nhưng nếu đổ vỡ thì tác động tới xã hội là khôn lường.

Còn ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ rằng tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, số người là nạn nhân của bán hàng đa cấp khá lớn, gây bức xúc trong dư luận. Theo ông Nguyễn Thanh, "người mua" của loại hình kinh doanh này là người  lao động, sinh viên, người cao tuổi..., họ vô tình trở thành những nạn nhân của bán hàng đa cấp. Khi doanh nghiệp bán hàng đa cấp "đổ vỡ", những nạn nhân này trở nên trắng tay.

Cảnh báo lừa đảo núp bóng đa cấp

Trước những biến tướng khó lường của hoạt động kinh doanh đa cấp, mới đây, Cục Quản lý cạnh tranh đã đưa ra khuyến cáo đối với người dân về những hình thức lừa đảo núp bóng đa cấp đang nở rộ hiện nay.Theo đó, loại hình mà đối tượng lừa đảo núp bóng đa cấp nhằm lôi kéo người tham gia như hoạt động giao dịch đồng tiền ảo theo mô hình kinh doanh đa cấp. Trong hoạt động này, người đầu tư bỏ một khoản tiền để tham gia hệ thống và sở hữu đồng tiền ảo, sau đó phải tuyển dụng người đầu tư mới đặt ở tuyến dưới của mình để được hưởng các khoản hoa hồng, tiền thưởng.

Một khi người đầu tư đã nộp tiền để tham gia hệ thống và sở hữu đồng tiền ảo thì thông thường sẽ rất khó để rút tiền ra khỏi hệ thống (hoặc mỗi ngày chỉ được rút một lượng tiền rất nhỏ trên tổng số tiền đầu tư vào hệ thống). Các hoạt động mua bán tiền ảo thường được thực hiện và giao dịch trên trang tin điện tử với máy chủ đặt tại nước ngoài.

Kinh doanh đa cấp biến tướng: Ngày càng tinh vi, phức tạp

Người dân cần cảnh giác trước một số hình thức lừa đảo núp bóng đa cấp hiện nay. Ảnh minh họa

Một loại hình khác được cơ quan quản lý đưa ra cảnh báo là hoạt động huy động tài chính sử dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp. Cụ thể có nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động tài chính thông qua hình thức lôi kéo, dụ dỗ người tham gia đầu tư tiền vào các dự án bất động sản, nhà hàng, khách sạn, khai thác khoáng sản…Trong nhiều trường hợp, các dự án này chỉ là vỏ bọc để che đậy hoạt động huy động tiền. Bản chất của hoạt động này vẫn là lấy tiền của người vào mạng lưới sau trả cho người vào mạng lưới trước. Khi không còn người đóng tiền vào hệ thống thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ rất khó lấy lại số tiền đã đầu tư.

Biểu hiện của mô hình này là các tổ chức hứa hẹn trả hoa hồng, tiền thưởng cao bất thường so với số tiền bỏ ra ban đầu hoặc hứa hẹn với người tham gia chỉ cần đầu tư tiền vào các dự án sau đó không phải làm gì cũng được hưởng nhiều loại hoa hồng, tiền thù lao và các lợi ích kinh tế khác.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý Cạnh tranh,  các hoạt động giao dịch tiền ảo, huy động tài chính đội lốt từ thiện, thương mại điện tử, đào tạo, hô hào góp vốn để đầu tư vào các dự án "ảo" như bất động sản, nhà hàng, khách sạn... diễn biến phức tạp. Tất cả đều có một đặc điểm chung là sử dụng mô hình đa cấp mà cụ thể là mô hình kim tự tháp để huy động tài chính, lấy tiền của người sau để trả cho người trước.

"Kiểu kinh doanh này là trái phép, đã bị luật pháp nghiêm cấm. Tuy nhiên, do Bộ luật Hình sự đã xóa bỏ tội "kinh doanh trái phép" nên hiện nay chúng ta không có chế tài để xử lý các hành vi này ngay từ khi chúng mới manh nha xuất hiện. Cơ quan chức năng chỉ có thể vào cuộc khi các dấu hiệu lừa đảo đã tương đối rõ, mà khi đó thì đã quá muộn," ​ông Tuấn cho hay. 

Khoảng nửa triệu người đang tham gia bán hàng đa cấp

Tính đến tháng 9 năm 2016, cả nước có 50 doanh nghiệp đủ giấy phép hoạt động, đạt tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng, đóng thuế cho Nhà nước 452 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của khối có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 1.800 tỷ đồng (chiếm 45% thị phần), doanh thu của khối doanh nghiệp trong nước khoảng 2.200 tỷ đồng (chiếm 55% thị phần). Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp hiện có 500.000 người, giảm 57% so với 1.162.000 người của cùng kỳ năm 2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh doanh đa cấp biến tướng: Ngày càng tinh vi, phức tạp