Kiên quyết không “bơm” thêm vốn cho dự án thua lỗ tại Tập đoàn dầu khí

Mai Thoa| 19/07/2017 21:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) là đơn vị có đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, các dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ từ tập đoàn này trong năm qua đang là vấn đề đáng quan tâm.

Sáng 19/7, Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng giao cho PVN và đã có những chỉ đạo cụ thể.

Yêu cầu giải trình 4 vấn đề nóng

Tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu PVN giải trình 4 vấn đề “nóng” tại PVN. Theo đó, tinh thần là quá trình làm, kiểm tra, phát hiện có sai sót, cần phải sửa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong triển khai các dự án thăm dò khai thác để quản lý đồng tiền, quản lý nhân sự, nhất là công tác nhân sự.

Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm, PVN cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu. Sản lượng dầu khai thác đạt 7,9 triệu tấn, vượt 2% so với kế hoạch; sản lượng khai thác khí so với kế hoạch chưa đạt nhưng cũng bằng 49,5% cả năm. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt hơn 247 ngàn tỷ đồng, vượt 15% so với kế hoạch và bằng 56% kế hoạch năm, đây là điều rất mừng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng  nhận định.

Tuy nhiên thách thức rất lớn khi Thủ tướng đặt 4 vấn đề yêu cầu PVN giải trình, làm rõ. Đầu tiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7%, các ngành, các cấp phải có quyết tâm rất lớn, trong đó có đóng góp của PVN. Theo ông Mai Tiến Dũng, Chính phủ giao PVN hoàn thành chỉ tiêu khai thác hơn 13,2 triệu tấn dầu, tăng thêm 1 triệu tấn so với kế hoạch giao đầu năm. Nhưng so với năm 2016 là 15,2 triệu tấn, năm 2015 là cao hơn nữa là 16,88 triệu tấn thì kế hoạch khai thác dầu của năm 2017 thấp hơn.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, không phải lấy tăng sản lượng để để tăng trưởng nhưng cũng vô cùng ý nghĩa. Tài nguyên không phải vô hạn nên phải tính toán để bảo đảm lâu dài nguồn năng lượng cho đất nước.

Vấn đề thứ 2, là việc xử lý một số dự án đầu tư kéo dài, thua lỗ, kém hiệu quả như dự án sinh học Ethanol Phú Thọ, Dung Quất, Xơ sợi Đình Vũ… Quan điểm của Thủ tướng là đề nghị ngành Công thương kiên quyết xử lý theo cơ chế thị trường với nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn cho các dự án thua lỗ kéo dài, Bộ trưởng cho biết. Cho nên, Tập đoàn cần xác định xử lý sớm, nghiêm túc rút kinh nghiệm, đẩy nhanh xử lý các dự án thua lỗ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Vấn đề thứ 3 liên quan đến một số dự án PVN đầu tư nhưng tiến độ chậm như: Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2. Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa vào hoạt động hiệu quả. Tổ trưởng Tổ công tác cho rằng, các dự án hoạt động sẽ góp phần tăng trưởng cho Tập đoàn. Vì một nhà máy, một sản phẩm mới ra đời thì góp phần rất tốt giải quyết việc làm, tạo doanh thu…

Cuối cùng là cần xây dựng niềm tin, kỷ cương, kỷ luật trong quản lý cán bộ, điều hành. Vừa qua, có chững lại rất nhiều, ảnh hưởng tâm tư, tình cảm đòi hỏi quyết tâm, đoàn kết nhất trí. Để khẳng định niềm tin, tập đoàn cần các biện pháp mạnh mẽ.  Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng, đề nghị PVN cần tạo không khí làm việc tốt, đoàn kết để phấn đấu hoàn thành vượt các chỉ tiêu góp phần cùng cả nước hoàn thành nhiệm vụ.

Không “bơm” thêm vốn cho dự án thua lỗ

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu PVN giải trình các vấn đề liên quan đến việc xử lý một số dự án đầu tư kéo dài, thua lỗ, kém hiệu quả, cổ phần hóa, tái cơ cấu tập đoàn; xây dựng niềm tin, kỷ cương, kỷ luật trong quản lý cán bộ, điều hành…

Theo Phó Tổng Giám đốc PVN Lê Minh Hồng, Tập đoàn đã trình Bộ Công thương và Bộ Công thương cũng đã trình Chính phủ kế hoạch tái cơ cấu Tập đoàn. Đến nay, kế hoạch chưa được phê duyệt. Điều lệ cũ của Tập đoàn chấm dứt hiệu lực từ 1/1/2016. Hơn một năm nay, Tập đoàn hoạt động không có điều lệ nên đề nghị Chính phủ nhanh chóng phê duyệt điều lệ để Tập đoàn làm cơ sở hoạt động, nếu không sau này vướng vấn đề pháp lý, Tập đoàn sẽ rất khó khăn.

Kiên quyết không “bơm” thêm vốn cho dự án thua lỗ tại Tập đoàn dầu khí

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại buổi làm việc

Ông Hồng cho biết, hiện tại, PVN rất khó khăn, hơn bao giờ hết, nên rất cần niềm tin của Đảng, Nhà nước, của các bộ, ngành vào những người làm dầu khí. Trong quá trình hoạt động, phát triển, ngành dầu khí đã mắc phải một số tồn tại, khuyết điểm. Từ đầu năm đến nay, PVN dành 30 - 40% thời gian để xử lý các vấn đề trong quá khứ, dành thời gian kiểm điểm, thường xuyên tiếp các đoàn kiểm tra, thanh tra. “Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu làm sao để gom lại, làm gọn hơn, để tạo điều kiện cho PVN phát triển, tạo ra sản phẩm cho xã hội, tăng trưởng GDP... Kiểm điểm là cần thiết nhưng những việc đó cần thiết hơn. Chứ bây giờ, nói thực là không còn tâm trí nào để làm nữa”, ông Hồng bày tỏ quan điểm.

Liên quan đến các dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ, ông Lê Minh Hồng cho biết, lãnh đạo Tập đoàn xác định đây là lỗi của ngành, ngành phải khắc phục, phải vào cuộc một cách quyết tâm nhất, quyết liệt nhất. Nhưng vướng và khó vô cùng nên đề nghị Chính phủ có những hướng dẫn xử lý cụ thể.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý, các dự án thua lỗ, yếu kém nếu đưa vào hoạt động, ra được sản phẩm với giải pháp tích cực nhất, khắc phục tồn tại là tốt nhất. Nếu như không vận hành được do nhiều yếu tố như nguyên liệu không có ngay thì làm sao hoạt động được như Công ty giấy Phương Nam. Những dự án không hoạt động được thì đề nghị Bộ Công thương, PVN phải có giải pháp, không loại trừ phá sản, không loại trừ là bán. Muốn bán được, phá sản được thì phải hoàn công, quyết toán, xác định giá trị ban đầu, tổng mức đầu tư.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng giải thích về việc Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn cho các dự án thua lỗ kéo dài. Điều này nghĩa  là không bổ sung vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Việc duy trì, bảo vệ, trông coi, xem xét vận hành là trách nhiệm của chủ đầu tư để thực hiện cho tốt. Nguyên tắc là phải theo cơ chế thị trường và không điều tiết từ ngân sách nhà nước. Thực tế đã chứng minh, điều tiết từ ngân sách nữa thì cũng không thể khẳng định là sẽ thành công, sẽ hiệu quả được.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên quyết không “bơm” thêm vốn cho dự án thua lỗ tại Tập đoàn dầu khí