Mới đây, Ai Cập tuyên bố nước này có bằng chứng về việc Qatar can thiệp gây bất ổn chính trị cho nước này và ở biên giới Libya, Sudan, Dải Gaza.
Ngày 11/6, báo Al Ahramonline dẫn nguồn tin nói rằng Ai Cập đã tập hợp các bằng chứng cho thấy sự can thiệp của Qatar vào các vấn đề nội bộ nước này và khu vực.
Nguồn tin này cho biết, Qatar đã tài trợ và đứng sau các chiến binh có liên hệ với các tổ chức chống đối Ai Cập ở Libya.
Theo đó, vào tháng 11/2016, các cơ quan an ninh ở Misrata (Libya) đã bắt giữ 30 người Ai Cập, trong đó có 7 người phụ nữ tham gia vào nhóm IS và những người này thừa nhận đã gửi tin nhắn, tiền bạc và thiết bị truyền thông cho các chiến binh có liên hệ với các tổ chức cực đoan được Qatar tài trợ.
Nguồn tin cũng cho biết, Qatar đã chi trả các khoản tiền lớn cho quân nổi dậy ở vùng Darfur, phía Nam Sudan để kích động dân quân chống lại chính phủ Sudan và đẩy mạnh các nhóm chiến binh dọc theo biên giới với Ai Cập.
Ai Cập tuyên bố có bằng chứng về việc Qatar can thiệp gây bất ổn
Qatar cũng đã gây mâu thuẫn giữa các nhóm Fatah và Hamas, cũng như ngăn chặn những nỗ lực của Ai Cập trong hòa giải nội bộ ở Palestine.
Ai Cập cũng thẳng thừng buộc tội Hamas làm hại lợi ích của nước này bằng cách tài trợ cho việc đào hầm và buôn lậu vũ khí dọc theo biên giới Ai Cập, cũng như đào tạo các chiến binh đã tấn công khủng bố ở Sinai, bao gồm vụ ám sát Tổng công tố Ai Cập Hisham Barakat năm 2015.
Qatar còn ủng hộ nhóm Anh em Hồi giáo mà Ai Cập cho là một tổ chức khủng bố bằng cách che giấu các thành viên lưu vong, cũng như hỗ trợ các thành viên của nhóm này tham gia vào các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở Ai Cập.
Ngoài ra, Ai Cập còn cáo buộc Qatar đã thúc đẩy những ý tưởng cực đoan và ủng hộ chủ nghĩa khủng bố tại bán đảo Sinai, cũng như can thiệp vào các vấn đề nội bộ Ai Cập bằng cách tài trợ cho một kế hoạch gây ra xung đột và chia rẽ. Hiện, Qatar chưa có phản ứng trước những cáo buộc trên.