Không còn công chức, viên chức: Ngành giáo dục sẽ thu hút được nhân tài

Ngô Chuyên| 20/05/2017 06:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên thay vào đó là chế độ hợp đồng “có vào - có ra”, chế độ đãi ngộ lớn. Nhiều chuyên gia cho rằng đó là một trong những bước đệm đổi mới toàn diện ngành giáo dục.

Ý tưởng hay, cần sớm đưa vào áp dụng

Theo nhiều giáo viên cũng như các chuyên gia trong ngành sư phạm, đó là một tín hiệu mừng trong công cuộc đổi mới giáo dục toàn diện hiện nay, đồng thời là bước đệm để phát triển ngành giáo dục, thu hút lượng chất xám chất lượng cao vào ngành giáo dục.

Chia sẻ về vấn đề này, thầy Phan Hữu Danh – giáo viên cấp II (ở Hà Tĩnh) cho biết: “Bấy lâu nay ngành giáo dục nước ta mang tính cào bằng, chưa khuyến khích được người tài thi vào ngành sư phạm. Nếu chúng ta làm tốt việc này chắc chắn ngành sư phạm sẽ tuyển được nhiều giáo viên giỏi trong tương lai. Đồng thời, những học sinh không đủ trình độ sẽ không dám thi vào ngành sư phạm”.

“Còn đối với giáo viên đang trực tiếp giảng dạy khi chính sách này được áp dụng, họ phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa nếu không sẽ bị quy luật đào thải loại bỏ”, thầy Danh nói thêm.

Không còn công chức, viên chức: Ngành giáo dục sẽ thu hút được nhân tài

Đây là cơ hội để thu hút nguồn chất xám chất lượng cao cho ngành sư phạm. Ảnh Hải Nam.

Tuy nhiên, để thu hút được một nguồn nhân lực giỏi vào ngành sư phạm, Bộ GD-ĐT phải giải quyết được bài toán trước mắt là chế độ đãi ngộ cho giáo viên.

Cùng bàn về vấn đề này, GS.TS Khoa học Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: “Đây là chính sách văn minh, tiến bộ và là xu thế chung của thế giới chúng ta nên ủng hộ”.

Bên cạnh đó, GS. Dong góp ý: “Bộ nên có những chính sách cũng như cam kết đối với những giáo viên tình nguyện làm việc ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ký hợp đồng ra, chúng ta nên có chính sách sau khi công tác đủ 5 năm các giáo viên này có thể được linh động chuyển công tác về nơi họ có nguyện vọng về để thu hút nhân lực trẻ về với vùng sâu vùng xa làm việc”.

“Tôi từng đi đến thăm những trường vùng sâu, vùng xa, khi vào ký túc xá của giáo viên có những cô gắn bó với trường lâu quá, không có cơ hội để xây dựng gia đình chính vì vậy rất thiệt thòi cho họ”, GS. Dong chia sẻ.

Không còn công chức, viên chức: Ngành giáo dục sẽ thu hút được nhân tài

Cợ hội việc làm cho sinh viên sư phạm ngày một cao hơn. Ảnh Hải Nam.

Bên cạnh đó, chế hợp đồng “có ra – có vào” nhằm loại bỏ được những giáo viên không toàn tâm, toàn lực với học sinh. Khuyến khích những giáo viên giỏi phát huy khả năng của mình mặt khác không những chỉ ký hợp đồng mà còn có chế độ hợp đồng dài hạn, chế độ đãi ngộ cao hơn bình thường để họ phát huy hết khả năng của mình.

“Không nên cứng nhắc áp dụng mà phải áp dụng linh hoạt để thu hút được nguồn học sinh giỏi thi vào học ngành sư phạm và những giáo viên giỏi được phát huy hết khả năng sáng tạo cũng như đổi mới phương pháp giáo dục”, GS. Dong nhấn mạnh.

Sinh viên ngành sư phạm ra trường có cơ hội việc làm lớn

“Sau khi nghe những thông tin đó chúng em cảm thấy có hi vọng tìm kiếm cơ hội việc làm đúng chuyên môn của mình sau khi ra trường”, đó là chia sẻ của bạn Nguyễn Thị Ngọc Ánh (sinh viên năm cuối Khoa tiếng Anh, ĐH Vinh, Nghệ An).

Ngọc Ánh cho biết thêm: “Hiện nay lương hợp đồng của mỗi giáo viên chỉ từ 2-2,5 triệu đồng/tháng mà hợp đồng chỉ là hợp đồng 3 - 6 tháng không có tính lâu dài, chính vì vậy những sinh viên trẻ như bọn em mới ra trường sẽ không có cơ hội “dụng võ” phát huy khả năng của mình. Đồng thời lương không đủ sống thì làm sao có tâm trí như đưa ra ý tưởng đổi mới phương pháp dạy để học sinh hiểu”.

Với chính sách này, ngay từ khi mới bước vào cổng trường đại học, mỗi sinh viên ngành sư phạm đã ý thức được mình cần phải rèn luyện như thế nào để có cơ hội việc làm.

Trước đó, ngày 12/5 tại buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục TP. Quy Nhơn và tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT – Phùng Xuân Nhạ chia sẻ Bộ sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên thay vào đó sẽ theo chế độ hợp đồng “có vào - có ra”, có chế độ đãi ngộ lớn.

Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng. Tuy nhiên, việc này chưa làm ngay được mà phải có lộ trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không còn công chức, viên chức: Ngành giáo dục sẽ thu hút được nhân tài