Ngày 17.7, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Luật Hộ tịch. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Luật Hộ tịch được Quốc hội thông qua ngày 20.11.2014 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII; có hiệu lực từ ngày 01.01.2016.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh đây là văn bản Luật đầu tiên điều chỉnh riêng lĩnh vực hộ tịch sau hơn 60 năm thực hiện bằng các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của các Bộ; là bước hoàn thiện khá căn bản về thể chế đăng ký và quản lý hộ tịch của Việt Nam với nhiều quy định mới mang tính đột phá.
Điểm cầu tỉnh Điện Biên. Ảnh: dienbientv
Bộ trưởng nhấn mạnh tới các điểm mới, mang tính đột phá, “cách mạng” trong Luật. Đó là việc tiếp tục đề cao tầm quan trọng của việc đăng ký và cấp Giấy khai sinh, gắn việc cung cấp khai sinh với việc cấp Số định danh cá nhân. Bộ trưởng lưu ý đây là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho công tác quản lý hộ tịch, quản lý dân cư theo hướng hiện đại.
Luật quy định xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch nhằm lưu giữ thông tin hộ tịch cá nhân, đồng thời kết nối, cung cấp thông tin đầu vào cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Với hai cơ sở dữ liệu quan trọng này, thông tin hộ tịch của người dân sẽ được quản lý tập trung, thống nhất. Các Bộ, ngành, địa phương có thể khai thác, sử dụng thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để giải quyết các yêu cầu của người dân nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật.
Điểm cầu tỉnh Đăk Nông Ảnh: baodaknong
Luật có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch. Đó là việc rút ngắn thời gian giải quyết, đơn giản hóa hồ sơ, cắt giảm giấy tờ và loại bỏ một số quy trình hình thức để tránh gây phiền hà cho người dân. Đồng thời, Luật phân cấp thêm một bước về thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho cấp chính quyền cơ sở, chuyển thẩm quyền đăng ký các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài từ UBND cấp tỉnh cho UBND cấp huyện, tạo điều kiện để UBND cấp tỉnh tập trung thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác hộ tịch. Quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn, trách nhiệm của công chức làm công tác hộ tịch, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp khi để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực này tại địa phương…. nhằm hạn chế sai sót, vi phạm có thể xảy ra trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch…
Hội nghị đã nghe tình hình thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hộ tịch; những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Hộ tịch. Các điểm cần lưu ý trong việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh; thực trạng và định hướng kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại các địa phương; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch và xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tại các địa phương… đã được thảo luận, giải đáp cụ thể tại Hội nghị. Qua đó đảm bảo việc triển khai hiệu quả Luật Hộ tịch tại các địa phương khi Luật có hiệu lực thi hành.