Hàng năm, vào mỗi độ tháng 7 đến tháng 10 là người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh đầu nguồn lũ như An Giang, Đồng Tháp, Long An lại hân hoan đón lũ như đón ngày hội lớn. Đặc biệt là mùa lũ năm nay, một mùa lũ đẹp với nhiều nguồn lợi thủy sản và đủ nước bồi đắp phù sa trên đồng ruộng, hứa hẹn một mùa bội thu.
Nguồn lợi thủy sản dồi dào
Ông Huỳnh Công Phong, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết, hiện mức nước lũ tại tỉnh An Giang đang ở mức báo động II, đạt 4m tại Tân Châu và 3,5 m tại Châu Đốc, chỉ thấp hơn đỉnh lũ năm 2000. Chính vì nguồn nước lớn nên nhiều loại thủy sản đổ về nhiều hơn những năm trước như cá linh, cá mè hôi, cá sặc bướm, cá ét, cá sửu, cá hô về đồng tạo công ăn việc làm cho người dân vùng lũ. Hiện đã có hàng ngàn người dân khai khác nguồn lợi thủy sản này trên các đồng ruộng, sông, rạch bằng hình thức đặt lờ, lợp, chài lưới, giăng câu,… cho thu nhập trên dưới 200.000 đồng/hộ/ngày.
Anh Vũ Linh, người dân sống bằng nghề đặt lưới cá trên vùng lũ huyện An Phú, tỉnh An Giang chia sẻ: Đầu mùa lũ cũng là thời điểm có nhiều cá nên mỗi ngày anh có thể thu vài trăm ký cá, giá cũng cao, khoảng 25.000 đồng/kg. Gần đây giá các loại cá có giảm nhưng người dân vẫn có thu nhập khá.
Còn chị Phạm Thị Hội làm nghề nuôi thủy sản quanh năm trên sông Sở Thượng, tại ấp 2, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp nuôi 20 bè cá điêu hồng và cá lóc bông. Vào những mùa nước ròng, bè cá của chị thường phải nằm cách bờ 20m, vì lòng sông cạn nước, không thể tận dụng được bề mặt diện tích. Đã vậy, lượng thức ăn trong mùa nước ròng hầu như không có, chị phải nuôi cá bằng thức ăn của các công ty chế biến.
Mùa nước nổi năm nay là mùa nước lớn nhất trong khoảng 5 năm gần đây, nước nhiều nên các loại cá làm thức ăn cho chăn nuôi thủy sản rất dồi dào, đặc biệt là cá linh, cá rô,… Hiện giờ chị không tốn nhiều chi phí để mua thức ăn nuôi cá, mà chị vừa đặt lưới cá linh, vừa thu gom cá từ những người đánh bắt thủy sản trên sông để làm nguồn thức ăn nuôi cá. Với nguồn thức ăn này, chị có thể tiết kiệm 50% chi phí, đồng thời vừa có môi trường nước an toàn cho cá. Bởi dòng nước sông Sở Thượng cứ lên xuống theo triều cường, giúp cuốn sạch những chất bẩn trong vùng nuôi.
Theo nhiều hộ nuôi cá trong vèo, trong bè tại huyện Hồng Ngự, nước lũ đầu nguồn giúp hạn chế tình hình dịch bệnh cho cá nuôi và cung cấp lượng thức ăn từ thiên nhiên dồi dào. Nhiều hộ nuôi cá đã tự tổ chức đánh bắt nhiều loại thủy sản làm thức ăn cho cá để giảm chi phí đầu vào. Ông Nguyễn Văn Bảnh, ở ấp 2, xã Thường Thới Hậu B với hơn 10 năm trong nghề nuôi cá bè sớm thả nuôi 7 bè cá các loại. Năm nay, cá điêu hồng có giá, hiện được thương lái thu mua với giá 30.000 - 35.000 đồng/kg. Ước tính mỗi bè cá ông thu lợi nhuận gần 20 triệu đồng/bè.
Ông Hai Sửu, một trong những hộ nuôi tôm ở thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông cho biết, trong huyện có nhiều hộ nuôi tôm càng xanh như ông. Đặc biệt trong mùa lũ, những vuông tôm có thêm nguồn nước làm mát cho tôm, mực nước trong ao có thể đạt 1,2 m, giúp các chủ nuôi không mất chi phí cho bơm nước vào ao. Đây cũng là nguồn nước vệ sinh ao, khi nước lũ vào, giúp diệt đi những con vi khuẩn có hại, giảm lượng hóa chất được dùng để khử trùng ao, góp phần làm trong sạch môi trường. Đồng thời, lượng vi sinh vật cũng nhiều, giúp tôm có thêm nguồn thức ăn, các chủ nuôi giảm được chi phí thức ăn khoảng 20%.
Tại 2 huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng (huyện đầu nguồn lũ) của tỉnh Long An, trong mùa lũ này có gần 500 hộ nuôi cá lóc bè, ngoài nguồn thức ăn có trong nước lũ như cá linh, cá mè hôi,… các hộ này cũng sử dụng ốc bươu vàng để làm thức ăn cho cá. Mỗi ngày, những người dân trong huyện thường đi bắt ốc để bán lại cho các bè cá. Ước tính mỗi ngày có thể thu hoạch được hàng trăm kg ốc và trứng, vừa tạo nguồn thức ăn cho cá, vừa bảo vệ mùa vụ sản xuất sau lũ.
Hứa hẹn một mùa vụ bội thu
Men theo dòng sông Hậu, sông Tiền, nước lũ về tràn vào các cánh đồng của các huyện Châu Thành, Thoại Sơn, An Phú, Châu Phú, thị xã Tân Châu (An Giang), huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Thanh Bình (Đồng Tháp) và các huyện đầu tỉnh Long An như Tân Hưng, Vĩnh Hưng. Khắp các cánh đồng này, đâu đâu cũng tràn trề một mặt nước mênh mông, đỏ nặng một màu phù sa không những mang lại nguồn lợi thủy sản dồi dào cho người dân trong vùng lũ, mà còn có tác dụng tháo rửa đồng ruộng, diệt trừ vi khuẩn còn sót lại trong đất.
Ông Mai Văn Lập, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi, thuộc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết, lũ về cung cấp phù sa bồi đắp cho các đồng ruộng khu vực ĐBSCL khoảng từ 100 - 150 triệu tấn. Riêng các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An là những nơi đón nhận lượng phù sa nhiều nhất, vì những tỉnh này nằm trên dòng chính của lũ. Nước lũ tràn về đã cung cấp cho đồng ruộng ngoài lượng phù sa lớn là các loại khoáng chất, vi lượng, đạm, kali và những chất cần thiết khác cho trồng trọt, đặc biệt là trồng lúa. Sau mùa lũ này, nông dân không mất nhiều thời gian và chi phí để cải tạo đất vì đồng ruộng đã ngâm nước trong 4 tháng, một khoảng thời dài đủ dài để dòng nước rửa sạch những chất bẩn trong ruộng, đồng thời bồi đắp cho nó những chất dinh dưỡng cần thiết.
Hiện nay, bà con nông dân ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hoá, Tân Thạnh, Thạnh Hoá, Đức Huệ và phía Bắc huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) cũng không ngoại lệ, họ cũng tranh thủ lấy nước lũ vào đồng ruộng để rửa phèn, chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân tới với hứa hẹn một vụ sản xuất bội thu.
Hồng Nhung