Ngày 24 và rạng sáng 25/5 vừa qua, Hà Nội phải đón nhận trận mưa lớn nhất trong vòng gần chục năm trở lại đây. Nhiều tuyến đường bị ngập sâu, vô số khu dân cư bị cô lập giữa biển nước và người dân lại đối mặt với nỗi lo dịch bệnh.
Môi trường ô nhiễm
Trong mấy ngày qua, Hà Nội và một số tỉnh lân cận đã đón nhận trận mưa với lượng mưa rất lớn đổ xuống. Nhiều quận nội thành với nhiều khu dân cư, nhiều tuyến phố bị ngập sâu trong nước. Ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, trong trận mưa vừa qua, lượng mưa đo được tại Vân Hồ 187,1mm; Cầu Giấy 277,8; Mễ Trì 235,5mm; Ngã Tư Sở 228,7mm; Xuân Đỉnh 196,9mm; Hồ Tây 168,5mm; Lương Định Của 193,6mm; Trúc Bạch 206,9mm; Nam Từ Liêm 214,1mm; Thanh Liệt 252mm; Hoàng Quốc Việt 249mm và các nơi khác xấp xỉ 200mm.
Cũng theo ông Hùng, do mưa xảy ra trên diện rộng, tập trung tại khu vực phía Tây, khiến nước sông Nhuệ tại trạm bơm Đồng Bông I dâng cao. “Do lượng mưa lớn đột biến vượt quá khả năng của hệ thống, cùng với ảnh hưởng của các công trình hạ tầng kỹ thuật đang thi công nên xảy ra úng ngập tại Trần Bình, Phan Văn Trường, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, ngã ba Dương Đình Nghệ - Nam Trung Yên, Hoa Bằng, Đội Cấn…”, ông Hùng chia sẻ.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng thoát nước trên một số tuyến phố và khu dân cư của Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn, đó là lượng nước trên các sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy ở mức cao, và vẫn tiếp tục dâng do nước từ thượng nguồn đổ về. “Ác mộng" lội nước chưa vơi thì giờ đây người dân thủ đô lại phải đối mặt với một nỗi lo khác, và cũng “kinh hoàng” không kém, đó là nỗi lo dịch bệnh hoành hành.
Nhiều tuyến phố ở Hà Nội biến thành sông
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thì trong và sau mưa lớn, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật. Tại nhiều nơi bị cô lập trong mưa, điều kiện vệ sinh không đảm bảo, thiếu nước sạch, trong khi đó mầm bệnh từ các vùng nước ngập đọng, từ xác súc vật chết bị thối rữa tiếp tục lây lan nên có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh. Thực tế đã chứng minh rằng ở các vùng, miền sau mưa, lũ lụt, bệnh về đường tiêu hóa thường tăng lên một cách đáng kể và có nguy cơ bùng phát các dịch bệnh như tiêu chảy, sốt xuất huyết, các bệnh ngoài da, ngộ độc, cúm… và nó cũng có thể dễ dàng lây lan, tạo thành dịch.
Trong tất cả các bệnh có thể bùng phát sau mưa lũ và úng ngập, đáng lo ngại nhất là bệnh về đường tiêu hóa. Vì khi mưa lớn, nước bẩn của các ao hồ tù đọng và nước thải, rác thải, thuốc bảo vệ thực vật ở đồng ruộng... ngấm vào nước ngầm, hòa vào giếng nước làm cho nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm trầm trọng. Mặt khác, các loại thực phẩm rau, quả ngập chìm trong nước lâu ngày sẽ bị nhiều vi khuẩn bám vào và gây bệnh. Nước ngập và tù đọng lâu ngày cũng là môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển và dễ bùng phát thành dịch sốt xuất huyết.
Nguy cơ dịch bệnh bùng phát
Cũng theo Cục Y tế dự phòng thì trong tổng số 3,5 triệu người mắc các bệnh truyền nhiễm hằng năm, khoảng 35% lây qua đường tiêu hóa. Số các ca bệnh này tăng đột biến trong mùa mưa. Sự di chuyển của người dân và đặc biệt là bệnh nhân làm tăng khả năng lây lan của các bệnh lây truyền qua nước. Tại vùng thường xảy ra mưa lớn và úng ngập, các dịch vụ vệ sinh sẵn có không đủ đáp ứng nhu cầu. Các nguồn nước, công trình cấp nước và vệ sinh bị phá hủy làm tăng nguy cơ gây bệnh đường tiêu hóa.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trong mùa mưa bão, người dân cần tự thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là khi mưa bão đang dồn dập. Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong và sau mưa, mỗi người dân ở địa bàn ngập úng cần làm tốt công tác vệ sinh cá nhân trong ăn uống, sinh hoạt, không ăn quả xanh, không uống nước lã, bảo đảm ăn chín, uống sôi, đồng thời có ý thức tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom tẩy uế khi nước rút, bảo đảm an toàn vệ sinh nguồn nước, giảm tối đa ô nhiễm do ngập úng gây ra.
Trong và sau khi nước rút, việc xử lý nguồn nước đảm bảo sạch, không bị ô nhiễm và vệ sinh môi trường sẽ góp phần rất lớn trong việc hạn chế dịch bệnh bùng phát. Bên cạnh đó, cần thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý xác súc vật chết bằng cách phun hóa chất diệt côn trùng, tưới dầu hỏa lên xác động vật để chống sự xâm nhập của các loài ăn thịt và côn trùng, đợi khi nước rút thì đem chôn. Đồng thời, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Trong trường hợp giếng nước bị ngập, các hộ dân cần xử lý bằng phèn chua với liều lượng 1g/20 lít nước. Nếu không có phèn chua thì dùng vải sạch lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm nhiều lần cho đến khi nước trong. Để khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, bể chứa nước nhỏ, cần dùng Cloramin T hoặc B (mỗi viên dùng cho 25 lít nước). Với khu vực nhà tiêu hai ngăn, người dân cần lấy hết phân ra, đào hố ủ, lèn chặt đất, mỗi ngăn đổ khoảng 2 - 3kg vôi bột. Nhà tiêu tự hoại hoặc thấm dội nước cần chuẩn bị nút bệ xí, nhà tiêu đào phải lấp một lớp đất dày khoảng 0,5m, lèn chặt.
Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh do nguồn nước bị ô nhiễm, điều kiện vệ sinh không đảm bảo, các cơ sở y tế tại các quận, huyện của thành phố cần đảm bảo trang thiết bị, thuốc men, hóa chất khử trùng nước cho các địa phương, đặc biệt là chủ động giám sát, phát hiện sớm bệnh dịch để kịp thời huy động, bố trí lực lượng như đội cơ động phòng chống dịch xử lý kịp thời tại các vùng xảy ra ngập úng, lũ quét; cung cấp hóa chất và hướng dẫn cho từng hộ gia đình ở những vùng trọng điểm để xử lý môi trường và nguồn nước. Công tác vệ sinh môi trường, chủ động xử lý làm sạch nguồn nước sinh hoạt cần được phổ biến và tuyên truyền rộng khắp đến từng hộ gia đình để mọi người nắm được và nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của các cơ quan y tế các cấp.
Bảo vệ gia súc, gia cầm mùa mưa bão
Không chỉ tác động xấu đến đời sống con người, mưa lớn hay úng ngập còn gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm cho dịch bệnh ở gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát và lan ra diện rộng. Bởi, mỗi khi mưa, mầm bệnh theo dòng nước lan đi khắp nơi. Mưa, bão càng lớn, quy mô càng rộng thì sự lan truyền mầm bệnh càng tăng, mức độ nguy hiểm càng cao. Mặt khác, trong khi có sự di chuyển đàn gia súc, gia cầm tránh ngập úng sẽ đem theo các mầm bệnh từ nơi này tới nơi khác. Các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh tẩy uế chuồng trại cũng không được thực hiện tốt làm suy giảm đáng kể sức chống chịu bệnh tật ở vật nuôi, khiến cho các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, dịch tả, thương hàn… dễ lây lan và bùng phát.
Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì vào mùa mưa, gia súc, gia cầm thường mắc những bệnh như dịch tả, lở mồm long móng ở trâu, bò, dê; bệnh tiêu chảy ở lợn con; bệnh Gumboro, tụ huyết trùng, cầu trùng… ở gia cầm, thủy cầm. Thế nên việc phòng chống bệnh cho gia súc, gia cầm mùa mưa là công việc hết sức quan trọng cần được tổ chức, giám sát thực hiện, huy động sức mạnh của tất cả cộng đồng từ các cấp quản lý đến người chăn nuôi trực tiếp.
Làm được như vậy tức là chủ động phòng chống có hiệu quả dịch bệnh ở gia súc, gia cầm. Chủ động có nghĩa là áp dụng các biện pháp khi dịch chưa kịp xảy ra, chủ động tấn công tiêu diệt, ngăn chặn mầm bệnh ở môi trường đồng thời với việc áp dụng các biện pháp nâng cao sức khỏe vật nuôi, nâng cao sức chống chịu bệnh tật. Khi mầm bệnh còn ở ngoài môi trường, chúng rất dễ bị tiêu diệt bởi các tác động ngoại cảnh được thực hiện qua biện pháp vệ sinh tẩy uế môi sinh. Một khi chúng xâm nhập vào cơ thể vật nuôi và gây thành bệnh thì chi phí chữa trị rất tốn kém mà hiệu quả thường không cao.
Do đó, việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm cần chuẩn bị trước mỗi mùa mưa bão. Đối với những vùng có nguy cơ và thường hay ngập úng, cần chủ động tôn cao nền chuồng trại; làm rèm che chắn mưa tạt gió lùa; thường xuyên quét dọn, phun thuốc tẩy uế chuồng trại. Đồng thời phải đảm bảo nguồn nước sạch dự trữ; vật nuôi cần được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các loại vaccin phòng bệnh cho gia súc như bệnh tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng... không để gia súc, gia cầm bị bỏ đói hoặc ăn những loại thức ăn tận dụng, thiếu dinh dưỡng, bị mốc, kém chất lượng. Nâng cao sức chống chịu cho vật nuôi là chủ động phòng ngừa rất có hiệu quả sự nhiễm mầm bệnh truyền nhiễm ở chúng.