Chương trình môn Ngữ văn mới được xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản. Chính vì vậy, để giáo viên truyền đạt tốt chương trình môn Ngữ văn mới cần có một khoảng thời gian dài.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình dạy môn Ngữ văn, cô giáo Như Mai – giáo viên môn Ngữ văn, trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) nói: “Không ít học trò thờ ơ với môn học này hoặc có học nhưng học đối phó, thiếu hẳn cảm xúc. Thách thức này trở nên rất lớn đối với giáo viên”.
Cô Mai dẫn chứng cụ thể, cứ lúc nào dạy đến tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của tác giả Đoàn Thị Điểm là học sinh “kêu” là không thích học, không phù hợp….
Để tạo hứng thú cho học sinh học môn Ngữ văn, nhiều giáo viên đã phải có những bí quyết riêng để truyền đạt. Ảnh Ngô Chuyên.
Để cho tạo hứng thú cho học sinh học, cô Mai lại phải thay đổi phương pháp dạy, phương pháp truyền đạt và tạo cảm hứng cho học sinh. “Tác phẩm này nói về câu chuyện của người phụ nữ xa chồng, nhớ chồng trong thời chiến tranh từ rất xa. Tuy nhiên, tôi phân tích cho học sinh của mình không nên suy nghĩ theo một hướng mà cần có cảm xúc khi đặt mình vào nhiều tình huống. Văn chương sẽ giúp các em trải nghiệm về cuộc đời, biết đồng cảm, sẻ chia hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ chứ không đơn thuần là học kiến thức”, cô Mai nói.
Cũng theo cô Mai, môn Văn là tổng hòa của nhiều yếu tố, vừa nghệ thuật, khoa học, vừa phải tạo hứng thú, yêu mến cho người học, đáp ứng đủ các đáp án thi cử mà đáp án với môn này thì mỗi người có hướng khai thác ở mức độ khác nhau.
“Giáo viên, không cách nào khác là phải chịu khó tìm tòi học hỏi, đọc ngẫm đồng thời phải có phương pháp giúp học sinh có hướng tìm hiểu nội dung môn học. tuy nhiên, với chương trình mới, giáo viên lại càng phải xác định tự “bơi” rất nhiều để đạt được yêu cầu đổi mới”, cô Mai nói.
“Dự thảo chương trình mới, trên cơ sở những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, về thể loại, về từng giai đoạn văn học, trào lưu văn học, những tác phẩm đưa ra chỉ mang tính chất gợi ý”, đó là những chia sẻ của TS Trịnh Thu Tuyết - nguyên giáo viên Ngữ văn THPT Chu Văn An (Hà Nội).
TS Tuyết cũng nói thêm, thầy và trò sẽ chọn những tác phẩm ấy để học nhưng không coi nó là đối tượng để nghiên cứu và cái đích cao nhất mà những tác phẩm ấy đóng vai trò là phương tiện để làm sáng tỏ những phẩm chất, năng lực mà học sinh cần đạt tới”.
“Với sự thay đổi này, chắc chắn giáo viên cần thời gian để tiếp cận chương trình và phương pháp dạy học mới. Chương trình Ngữ văn mới đòi hỏi tính đồng bộ của đội ngũ giáo viên từ việc lựa chọn chương trình, phương pháp tiếp cận, nếu giáo viên không đủ bản lĩnh sẽ rất khó khăn”, TS Tuyết đánh giá.
Một trong những lo lắng mà TS Tuyết đặt ra nữa chính là sự thay đổi trong phương pháp tiếp cận môn học mà Bộ đề cập theo hướng đưa vào nhiều hoạt động hoạt náo, hướng ngoại như đóng vai, ngâm thơ, kể chuyện... Đây là điều cần hết sức cân nhắc, cần có hướng dẫn mang tính tích cực và phù hợp.
“Ngoài ra, thời lượng mỗi tiết ngắn, khó đảm bảo vừa làm hoạt náo vừa chuyển tải thông điệp, một điều nữa là môn Văn có tính đặc trưng là có cả yếu tố hướng nội, cần sự đằm lắng”, TS Tuyết nhấn mạnh.