Một con bò trị giá khoảng 5 triệu đồng trở thành đối tượng tranh chấp giữa hai hộ gia đình ở xã Yên Hòa, huyện Tương Dương (Nghệ An). Sau nhiều lần tổ chức hòa giải không thành, Tòa án đã quyết định lấy mẫu giám định ADN để xác định nguồn gốc con bò, làm căn cứ phân xử quyền sở hữu.
Ông Moong Công Hải, Chánh án TAND huyện Tương Dương cho biết, Tòa vừa giải quyết thành công vụ tranh chấp quyền sở hữu bò bằng phương pháp giám định ADN.
Theo hồ sơ vụ việc, hộ ông Lô Văn Th. (SN 1963) và bà La Thị O. (SN 1981), cùng trú tại xã Yên Hòa đều khẳng định con bò cái ba tuổi (trị giá khoảng 5 triệu đồng) là do bò mẹ trong đàn của gia đình mình sinh ra.
UBND xã Yên Hòa đã nhiều lần tổ chức hòa giải nhưng không thành công. Do tập quán chăn thả gia súc trong rừng, các đàn bò thường lẫn lộn với nhau, gây khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu chính xác.
Trước tình hình đó, ông Th. đã gửi đơn đến TAND huyện Tương Dương đề nghị can thiệp, giải quyết vụ việc. Nhận thấy tính chất phức tạp của tranh chấp, tòa quyết định lấy mẫu ADN từ con bò đang tranh chấp và bò mẹ của hai gia đình để giám định. Việc lấy mẫu có sự chứng kiến của các cơ quan chức năng.
Kết quả giám định do Viện Chăn nuôi Quốc gia (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện cho thấy, con bò thuộc sở hữu của hộ bà La Thị O.
Dựa trên kết quả này, TAND huyện Tương Dương đã bàn giao con bò cho bà O., đồng thời buộc ông Lô Văn Th. phải thanh toán toàn bộ chi phí xét nghiệm theo thỏa thuận trước đó. Sau đó, ông Th. đã rút đơn khởi kiện.
Được biết, tổng chi phí xét nghiệm và thẩm định tại chỗ lên đến 7,8 triệu đồng – cao hơn cả giá trị con bò tranh chấp.
Theo UBND xã Yên Hòa, đây không phải lần đầu tiên địa phương phải sử dụng biện pháp giám định ADN để giải quyết tranh chấp gia súc.
Qua vụ việc, chính quyền địa phương mong muốn người dân nâng cao ý thức trong quản lý, chăm sóc vật nuôi, thay đổi tập quán chăn thả rông trong rừng để tránh những tranh chấp tương tự.