Thời điểm trước dịp Tết Nguyên đán, tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo trái phép có chiều hướng gia tăng. Mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền và xử lý, tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều đối tượng vẫn cố tình vi phạm.
Đủ mánh khóe, chiêu trò buôn pháo lậu cuối năm
Dịp giáp Tết Nguyên đán cận kề, nhiều đối tượng lại móc nối để mua bán, vận chuyển pháo lậu đến các điểm tập kết và phân phối, bán lẻ cho những người có nhu cầu để kiếm lời… tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đối với an ninh trật tự và an toàn xã hội. Tình trạng vận chuyển, tàng trữ pháo nổ vào nội địa ngày càng tinh vi là thách thức lớn cho lực lượng chức năng…
Mới đây, Công an huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã triệt xóa đường dây mua bán pháo nổ lớn từ Quảng Ninh, Hà Nội về Thanh Hóa tiêu thụ, bắt giữ 3 đối tượng, thu giữ gần 1,3 tấn pháo lậu. Trong các đối tượng bị bắt giữ có một thiếu niên mới 14 tuổi.
Trước đó, tháng 9/2024, Công an huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh, Công an các tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ngãi, Gia Lai phá thành công Chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại, cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.
Ngày 15/10/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội, tiếp nhận tố giác của Bưu điện khu vực 4, thị trấn Văn Điển, có 1 bưu phẩm có dấu hiệu nghi vấn bên trong là pháo nổ. Qua kiểm tra, bên trong cất giấu 5 giàn pháo có khối lượng hơn 7kg. Công an huyện Thanh Trì đã khẩn trương tiến hành điều tra xác minh và xác định người gửi là P.N.T (học sinh lớp 11 ở thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An).
Đa số các vụ buôn lậu đều được các đối tượng sử dụng chiêu trò tinh vi. Các đối tượng đã tham gia hội nhóm mua bán pháo trên không gian mạng, sử dụng Facebook, Telegram để tìm kiếm người mua pháo.
Khi tìm được người mua pháo, các đối tượng yêu cầu khách hàng chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng không chính chủ. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng chuyển pháo bằng hình thức xé lẻ, cho pháo vào nhiều túi ni long, thùng cát tông bọc nhiều lớp, rồi đem đi gửi xe khách, hoặc thuê ship chuyển hàng.
Đối với những người mua với số lượng lớn, các đối tượng trực tiếp dùng xe ô tô ngụy trang dưới nhiều vỏ bọc để vận chuyển đưa đi tiêu thụ, nhằm “qua mặt” lực lượng chức năng.
Tăng cường xử lý từ sớm
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, từ nay cho tới Tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu pháo còn có nhiều diễn biến phức tạp. Đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng. Nếu không có giải pháp hiệu quả, hệ lụy từ pháo sẽ còn tiếp diễn.
Nhằm tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn nạn mua bán pháo lậu để phòng tránh tình trạng cháy nổ xảy ra, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện các biện pháp công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về pháo, nhất là đấu tranh ngăn chặn việc thẩm lậu pháo trái phép vào Việt Nam qua tuyến biên giới.
Đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng chế tạo, sản xuất pháo trái phép; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không tàng trữ, chế tạo, sản xuất, vận chuyển, mua bán pháo trái phép; tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về pháo.
Đồng thời, tăng cường phối hợp kiểm tra, quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh pháo hoa của các doanh nghiệp sản xuất pháo hoa, để đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối từ khâu sản xuất đến khâu cung ứng sản phẩm ra thị trường theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn cháy nổ, an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân.
Ngoài ra, các nhà trường, cơ sở giáo dục cần tăng cường các tiết học phổ biến kiến thức và cảnh báo nguy cơ và những tác hại của việc sử dụng pháo nổ có thể xảy ra, qua đó nâng cao nhận thức cho học sinh trong việc hình thành nếp sống văn minh, lành mạnh và an toàn. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, bổ sung các chế tài, xử lý mạnh tay hơn nữa để tăng tính răn đe, cũng như phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật này.