Dự án Luật Du lịch sửa đổi: Cấm "phân biệt đối xử" với khách du lịch

Bạch Dương| 20/09/2016 09:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người nước ngoài ra nước ngoài hoặc vào Việt Nam bất hợp pháp, phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất chính từ khách du lịch… là một số hành vi bị cấm theo Dự án Luật Du lịch sửa đổi.

Dự án Luật Du lịch sửa đổi: Cấm

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đọc tờ trình Dự án Luật Du lịch sửa đổi tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Nam Nguyễn/Bộ VH-TT-DL

Sáng qua (19/9) Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp góp ý Dự án Luật Du lịch (sửa đổi). Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện trình bày báo cáo Dự án Luật Du lịch (sửa đổi).

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong việc sửa đổi Luật Du lịch lần này là khẳng định vai trò ngành kinh tế tổng hợp của du lịch, mang tính xã hội cao, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa...

Theo nội dung tờ trình, mục đích của việc xây dựng Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) nhằm bảo đảm tính minh bạch và khả thi, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013; đồng bộ với các bộ luật, luật mới được ban hành; thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động du lịch, nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, tạo cơ sở pháp lý nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Bên cạnh đó, Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) cũng bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm để ngăn ngừa, răn đe và có cơ sở xử lý các hành vi vi phạm đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch như: lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người nước ngoài ra nước ngoài hoặc vào Việt Nam bất hợp pháp, phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất chính từ khách du lịch…

Thảo luận về Dự án Luật Du lịch (sửa đổi), các ý kiến cũng nhất trí cao việc cần thiết phải ban hành Luật Du lịch sửa đổi để đáp ứng với nhu cầu phát triển của ngành Du lịch hiện tại cũng như tương ứng với tiềm năng hiện có.

Chủ trì phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đưa ra ý kiến góp ý cho Dự án Luật Du lịch (sửa đổi). Theo Chủ tịch Quốc hội, tài nguyên nước ta không thua kém bất cứ quốc gia nào trong khu vực, nhưng lượng khách đến ít, thậm chí đến một lần rồi không trở lại. Bà cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém về cơ sở hạ tầng, các dịch vụ phục vụ du lịch của nước ta còn nhiều yếu kém.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) phải đáp ứng mục tiêu thúc đẩy du lịch phát triển tốt hơn, nâng cao chất lượng, theo hướng hiện đại, thu hút khách đến nhiều và khách quay trở lại.

Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) gồm 10 chương, 79 điều, trong đó sửa đổi bổ sung 56 điều, quy định mới 21 điều và giữ nguyên 2 điều.

Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) đưa ra các quy định cụ thể về khách du lịch; tài nguyên du lịch; quy hoạch phát triển du lịch; điểm du lịch; lữ hành, vận tải khách du lịch và hướng dẫn du lịch; cơ sở lưu trú du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch khác; xúc tiến du lịch, hợp tác và hội nhập quốc tế về du lịch; quản lý nhà nước về du lịch.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Luật Du lịch sửa đổi: Cấm "phân biệt đối xử" với khách du lịch