Với những nỗ lực không ngừng của Quốc hội và các cơ quan liên quan, tổ chức, hoạt động của Quốc hội sẽ tiếp tục được đổi mới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đổi mới mạnh mẽ về tư duy trong công tác lập pháp
Đánh giá về kết quả nổi bật của Kỳ họp thứ 8 vừa qua, có thể khẳng định, Kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước tiến lớn trong công tác lập pháp của Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp có nhiều dấu ấn đổi mới, trong đó có khối lượng nội dung về công tác lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay.
Kỳ họp này đã xem xét 51 nội dung, nhóm nội dung, bao gồm: 33 nội dung thuộc công tác lập pháp, 18 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, trong đó có 04 nghị quyết quy phạm pháp luật trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ về tư duy trong công tác lập pháp theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Đáng chú ý, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và nhiều tờ trình, đề án có ý nghĩa rất quan trọng như: Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030; dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam... Có thể nói, đây đều là những vấn đề cấp bách, phục vụ quốc kế dân sinh, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.
Các Luật và Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội. Điều này sẽ kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn về thể chế, khơi thông nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua cũng như cho ý kiến lần đầu đều được chuẩn bị nghiêm túc, xem xét thận trọng, kỹ lưỡng. Đặc biệt, quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Theo đó, việc xây dựng, ban hành luật, nghị quyết đảm bảo ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội, không quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ…
Dấu ấn toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động
Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV (2021-2026) là nhiệm kỳ đầu trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Tuy nhiên, trong những năm đầu của nhiệm kỳ, đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và sức khỏe cộng đồng...
Bên cạnh đó, yêu cầu tiếp tục cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy nhà nước một cách mạnh mẽ cũng đặt ra những đòi hỏi cấp thiết đối với việc hoàn thiện thể chế, đặc biệt là đối với các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền và tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh đó, hoạt động lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV đã được quan tâm một cách sâu sắc, tiếp tục để lại nhiều dấu ấn tại các kỳ họp, bảo đảm nền tảng pháp lý để tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới.
Cụ thể: tính chủ động trong công tác lập pháp được tăng cường; hoạt động lập pháp đã đáp ứng linh hoạt, kịp thời các yêu cầu của cuộc sống; kịp thời thể hiện những định hướng mới trong công tác lập pháp;..
Cùng với đó, Quốc hội khóa XV đã quyết sách nhiều chính sách, vấn đề quan trọng để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế chống chịu, ứng phó với khó khăn, thách thức, phục hồi và phát triển; đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch 05 năm và hằng năm về phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực.
Về công tác dân nguyện của Quốc hội từng bước được cải tiến, đổi mới để phù hợp với tình hình chung của đất nước và nguyện vọng chính đáng của người dân. Việc thực hiện có hiệu quả công tác dân nguyện, góp phần khẳng định bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời thể hiện rõ nét tính chất dân chủ của xã hội.
Ngoài ra, trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, một số đề xuất của ĐBQH lần đầu tiên được triển khai và mang lại hiệu quả rõ rệt, được cử tri và nhân dân đánh giá cao; ĐBQH khóa XV đã tích cực, đi sâu, đi sát, gần gũi với Nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xem xét, giải quyết, trả lời...
Để tiếp tục đổi mới, xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, đối với hoạt động lập pháp, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phát huy cao độ tính Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; Kịp thời thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Đổi mới tư duy lập pháp theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Công tác xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, nâng cao năng lực phản ứng chính sách và giải quyết hiệu quả, kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả...
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát tối cao, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Trong đó, cần lưu ý, nghiên cứu để xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp thực tiễn; nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng việc theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát;...
Ngoài ra, trong thời gian tới cần phải tiếp tục đổi mới công tác dân nguyện thông qua tất cả các hoạt động như hoạt động tiếp công dân, tiếp xúc cử tri và tập hợp, tổng hợp chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri... nhằm phát huy tốt ý nghĩa và vai trò của công tác dân nguyện trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong tổ chức, hoạt động của cơ quan dân cử và của Quốc hội.