Sáng nay (8/12), HĐXX tiếp tục chuyển sang phần tranh luận. Trong phần kết luận VKS đề nghị giữ nguyên mức án sơ thẩm đã tuyên với bị cáo Nguyễn Đức Kiên.
Trước khi đại diện VKSNDTC trình bày quan điểm, bị cáo Nguyễn Đức Kiên muốn cung cấp chứng cứ vụ án cho HĐXX. Thứ nhất, bị cáo đề nghị Công ty Đầu tư Á Châu nộp cho Tòa các văn bản (Giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty CP Thăng Long; Cty CP Ga hàng hóa Sài Gòn); Đề nghị Công ty Thiên Nam nộp lại Tòa Giấy phép kinh doanh của công ty.
Bị cáo Kiên cũng đề nghị Công ty cổ phần Phố Nối nộp GPKD của công ty. Công ty Đầu tư ACB Hà Nội nộp 3 giấy phép. Tập đoàn Hòa Phát nộp giấy phép kinh doanh của Tập đoàn.
Chứng cứ thứ 4, bị cáo đề nghị sao 2 văn bản liên quan đến các chuẩn mực do Bộ Tài chính ban hành.
“Tôi nghĩ những văn bản trên là những bằng chứng, chứng cứ liên quan vụ án” – bị cáo Kiên nói.
Liên quan tội cố ý làm trái, bị cáo Kiên đề nghị cung cấp: Qui chế hoạt động của HĐQT NH Á Châu, qui chế hoạt động của Hội đồng sáng lập của ACB; Bản chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Khối ngân quỹ và Ban điều hành ngân quỹ. “Yêu cầu đại diện ACB nộp 3 nghị quyết HĐQT không có trong hồ sơ (ngoài nghị quyết ngày 22 và 28/3/2011) để chứng minh ông Giá quyết định rất đúng khi dừng hoạt động ủy thác, để làm chứng cứ gỡ tội cho các thành viên khác trong HĐQT”, bị cáo Kiên đề nghị.
Liên quan đến Bản giám định của Bộ Tài chính, gồm 2 nội dung: giám định viên đã không phân bổ chi phí hoạt động của công ty theo nguyên tắc phân bổ doanh thu nên kết quả không chính xác; không viện dẫn đủ văn bản năm 2009 nên ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả giám định, Nguyễn Đức Kiên cho rằng không được chính xác, khách quan và đề nghị cung cấp bản dự thảo giám định – bản này cơ quan điều tra dùng làm đối chứng với tôi trong quá trình điều tra.
Để chứng minh phần trốn thuế, Kiên đề nghị Công ty B&B cung cấp báo cáo quyết toán quý 1/2009 có xác nhận, chứng nhận của cơ quan thuế; tờ báo cáo doanh thu từng tháng từ tháng 1-6/2009, Báo cáo tài chính 12/2009 để là tài liệu chứng minh.
VKSND Tối cao xác định, về hình phạt, Cơ quan công tố xác định bị cáo Kiên bị tuyên phạt tổng cộng 30 năm tù các tội Trốn thuế, Kinh doanh trái phép, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hình phạt bổ sung bầu Kiên phạt 75 tỷ đồng, 100 triệu về hành vi lừa đảo. Bị cáo Kiên kháng cáo toàn bộ bản án.
Trong khi đó, bị cáo Lý Xuân Hải kháng cáo toàn bộ bản án, không làm trái. Ông Phạm Trung Cang và Lê Vũ Kỳ không kêu oan chỉ xin giảm nhẹ hình phạt; Huỳnh Quang Tuấn xem xét lại các hành vi của bị cáo; Trịnh Kim Quang xin xem xét quy kết. Công ty B&B kháng cáo toàn bộ nội dung liên quan đến công ty và đề nghị xác định tư cách của Chi Cục thuế Đống Đa.
VKS nhận thấy, tội “kinh doanh trái phép”, xét kháng cáo, VKS thấy, tại công văn 935 của Tổng Cục thống kê, kèm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quyết định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, hoạt động mua cổ phần, cổ phiếu, xếp vào mã 64990. Nghị định 206 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh, người thành lập doanh nghiệp phải tuân theo quy định...
Nội dung giấy đăng ký kinh doanh theo quy định Điều 25 Luật doanh nghiệp trên cơ sở doanh nghiệp đăng ký. Điều 9 Luật doanh nghiệp quy định kinh doanh đúng ngành nghề. Vì vậy hoạt động đầu tư tài chính, cổ phiếu phải đăng ký kinh doanh. Theo giấy chứng nhận của 5 công ty trên, không có ngành kinh doanh tài chính, cổ phần cổ phiếu, góp vốn... Do đó, hoạt động này trái với Điều 9, Luật doanh nghiệp, kinh doanh không có nội dung đăng ký kinh doanh.
Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm tại Tòa
Hành vi kinh doanh giá vàng ở công ty Thiên Nam: Vietbank và Thiên Nam ký kết thoả thuận, công ty tiếp nhận toàn bộ trạng thái, giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam, với số lượng 150.000 ounce, tương đương hơn 2.900 tỷ đồng, khối lượng mua 6.250 ounce. Trong thương vụ mua bán vàng với ACB, Thiên Nam bị lỗ hơn 400 tỷ đồng. Số tiền này ACB cho Thiên Nam nhận nợ đến 2015.
Tại Toà Phúc thẩm, Bầu Kiên cho rằng đó là kinh doanh hàng hoá, là sản phẩm phái sinh của ACB. Bị cáo chỉ là người thực hiện, về kinh doanh là trách nhiệm của giám đốc Thiên Nam.
VKS cho rằng, cũng tại Công văn 935 Tổng Cục thống kê, hoạt động kinh doanh vàng trạng thái xếp mã ngành.. Tại Toà, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, kinh doanh vàng trạng thái giá vàng trong nước trước năm 2011, chịu sự điều chỉnh của Chính phủ quy định, Ngân hàng nhà nước.
Về hợp đồng 017, giữa ACB và Thiên Nam, mua bán trạng thái vàng, chuyển đổi nguyên liệu thành vàng vật chất không thể là vàng phái sinh. Công ty Thiên Nam không có đăng ký vàng trạng thái nên phạm kinh doanh trái phép. VKS cho rằng, không có sự tham gia của Kiên, giao dịch không thể thực hiện được.
Về hành vi trốn thuế: Ngày 25/12/2008, B&B ký hợp đồng uỷ thác đầu tư tài chính với ACB, giao dịch trạng thái vàng. Sau khi trừ chi vốn, giao dịch uỷ thác thu được lãi hơn 100 tỷ đồng. Để trốn thuế, theo chỉ đạo của bầu Kiên, bà Lan ký hợp đồng với Nguyễn Thuý Hương (em gái bầu Kiên), với nội dung: bà Hương uỷ thác B&B đầu tư vào kinh doanh vàng. Sau đó, bà Lan, Kiên, Hương còn thực hiện phụ lục hợp đồng, với nội dung bà Hương đồng ý để B&B uỷ thác lại cho ACB kinh doanh và uỷ quyền cho Kiên quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh. Theo đó, bà Hương hưởng hơn 68 tỷ đồng. Bà Hương chuyển lại vào tài khoản bầu Kiên. Kết quả uỷ thác của bà Hương, thu được lợi nhuận gộp là hơn 31 tỷ đồng mà công ty B&B không phân chia lợi nhuận mà ghi nhận nợ với bà Hương. Tổng số lãi ghi nhận trong hợp đồng là hơn 100 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng xác định, hợp đồng uỷ thác của Kiên, bà Lan và Hương là không hợp pháp. Kết quả thanh tra của Tổng Cục thuế Hà Nội, trong năm 2009 và 2010, B&B không kê khai nộp thuế tiền kinh doanh vàng trên tài khoản. Ngày 28/5/2013, giám định viên Bộ Tài chính kết luận: B&B phải nộp thuế là hơn 25 tỷ đồng. Mặt khác, Kiên nhận uỷ quyền của Hương giao dịch vi phạm Bộ luật dân sự.
Tại kháng cáo và phiên toà phúc thẩm, bị cáo cho rằng việc uỷ quyền với Hương là đúng pháp luật. Xét phụ lục hợp đồng uỷ quyền, ngày 25/12/2008, giữa Kiên Hương, uỷ thác tài chính, đều do Kiên trực tiếp thực hiện, trốn thuế hơn 25 tỷ đồng là có căn cứ.
Tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”: Kiên đại diện theo pháp luật, sở hữu hơn 29 triệu cổ phần công ty Thép Hoà Phát. Số cổ phần này đã được ký thế chấp với ACB để phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng. ACBS đã phong toả theo giấy đề nghị phong toả. Tuy vậy đầu tháng 4/2012, theo đề nghị của Chủ tịch HĐQT Thép Hoà Phát, bầu Kiên đã bán 20 triệu cổ phần cho tập đoàn này. Kiên đã chỉ đạo cấp dưới giải toả số cổ phần đang thế chấp.
Kế toán trưởng ACBI Nguyễn Thị Hải Yến báo cáo lại việc ACBS không chấp nhận giải chấp cho Kiên biết nhưng bị cáo không có ý kiến chỉ đạo. Mặc dù chưa được ACB, ACBS chấp thuận giải toả, ACBI không họp HĐQT nhưng Kiên chỉ đạo bà Yến soạn thảo biên bản, đồng ý chuyển nhượng số cổ phần trên, tổng giá trị 264 tỷ đồng cho Thép Hoà Phát. Yến đã chuyển quyết định và biên bản này cho Thép Hoà Phát.
21/5/2012, Thanh ký hợp đồng với Công ty TNHH Một thành viên thép Hoà Phát bán số cổ phần này. ACBI cam kết đảm bảo số cổ phần và tiếp tục góp vốn, chuyển cho Thép Hoà Phát.
số tiền đã được sử dụng vào nhiều khoản, trả lãi trái phiếu cho ACB, góp vốn vào công ty TNHH một thành viên Liên Á Châu, bầu Kiên chi tiêu riêng…. VKS Tối cao cho rằng, án sơ thẩm quy kết là có căn cứ. Ngoài bầu Kiên còn có đồng phạm là Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến.
Tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế”: VKS nhận thấy, ngày 22/3/2010, ACB có cuộc hợp thường trực HĐQT, ông Trần Mộng Hùng đưa ý kiến giảm lãi suất nhưng bầu Kiên không đồng ý. Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ACB đề nghị uỷ thác và được bầu Kiên, cùng các thành viên HĐQT Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn… đồng tình.
Từ ngày 27/6/2001 đến 5/9/2011 uỷ quyền cho 19 nhân viên gửi số tiền trên vào các chi nhánh của Vietinbank tại TP HCM và chi nhánh Nhà Bè. Số tiền này bị Huỳnh Thị Huyền Như dùng các thủ đoạn gian dối chiếm đoạt. Việc uỷ thác này vi phạm vì chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Ở hành vi đầu tư cổ phiếu: theo cơ quan công tố, ngày 5/11/2009, thường trực HĐQT ACB, ra thông báo: giá cổ phiếu thị trường chứng khoán diễn biến thuận lợi, đầu tư 700 tỷ vào các cổ phiếu có tính thanh khoản cao… Kiên được uỷ quyền đầu tư.
Để công ty ACBS có tiền, ACB đã cho KienLongbank và Vietbank vay để hai ngân hàng này cho ACBS vay lại qua hình thức mua trái phiếu. Tuy nhiên, theo quy kết, việc đầu tư này đã ACB thiệt hại hơn 60 tỷ đồng.
Thực hiện hợp đồng đầu tư ACBS chuyển 1.500 tỷ vào ACI, ACI-HN để mua cổ phiếu ACB. Tháng 7/2010, Công ty kiểm toán PWC, phát hiện việc trái pháp luật này nên đề nghị ngừng hoạt động. ACI và ACI-HN phải trả lại tiền cho ACBS. Để có tiền, ACB đã cho Vietbank vay để “đáo” qua ACI và ACI-HN. Việc làm này dẫn đến thiệt hại hơn 12 tỷ đồng tiền chênh lệch lãi suất. Ngoài ra, công ty ACI, ACI-HN còn nợ lại hơn 578 tỷ đồng.
VKS cho rằng, bị cáo Kiên, Hải, Cang, Kỳ tham gia cuộc họp HĐQT ACB đầu tư mua cổ phiếu trái với quy định Điều 29 của Bộ Tài chính, gây thiệt hại cho ACB gần 688 tỷ đồng.
Sau phần trình bày quan điểm, đại diện Viện Kiểm sát tại tòa khẳng định giữ nguyên án sơ thẩm đối với các bị cáo. Riêng bị cáo Trịnh Kim Quang rút đơn kháng cáo, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX đình chỉ kháng cáo với bị cáo Quang.
Kết thúc phần trình bày quan điểm của đại diện VKS, Nguyễn Đức Kiên đột ngột bị mệt và xin phép HĐXX cho ra ngoài.
13h30 chiều nay, các luật sư của “bầu” Kiên sẽ trình bày quan điểm bào chữa của mình cho bị cáo.