Vấn đề quan tâm

Đề xuất tăng gấp 10 lần mức tiền xử phạt không cần lập biên bản

Nguyễn Cúc 10/04/2025 - 16:54

Bộ Tư pháp đề xuất, người có thẩm quyền xử phạt có thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ mà không cần lập biên bản với mức gấp 10 lần quy định hiện hành.

Bộ Tư pháp đang tiến hành lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, trong đó đáng chú ý là đề xuất sửa đổi Điều 56 liên quan đến hình thức xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản.

Theo quy định mới trong dự thảo, người có thẩm quyền xử phạt có thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ mà không cần lập biên bản đối với các trường hợp phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi vi phạm có mức phạt tối đa lên đến 2.500.000 đồng đối với cá nhân và 5.000.000 đồng đối với tổ chức.

ppp.jpg
Ảnh minh họa

Đây là sự điều chỉnh đáng kể so với quy định hiện hành, khi mức tiền phạt không lập biên bản chỉ giới hạn ở mức 250.000 đồng với cá nhân và 500.000 đồng với tổ chức.

Mặc dù cho phép không lập biên bản trong các trường hợp nêu trên, dự thảo vẫn quy định rõ rằng nếu hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì vẫn bắt buộc phải lập biên bản.

Đối với các trường hợp xử phạt tại chỗ, người có thẩm quyền phải ra quyết định xử phạt hành chính tại thời điểm phát hiện vi phạm, trong đó thể hiện đầy đủ các thông tin cần thiết như ngày, tháng, năm ra quyết định; họ tên, địa chỉ của cá nhân hoặc tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm và địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ, tình tiết liên quan; tên và chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều khoản pháp luật được áp dụng và mức tiền phạt nếu có.

Quyết định này phải được giao tận tay cho cá nhân hoặc tổ chức bị xử phạt, và trong trường hợp người vi phạm là người chưa thành niên bị xử phạt cảnh cáo, quyết định còn phải được gửi đến cha mẹ hoặc người giám hộ.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điều 58 của Luật, quy định cụ thể về việc lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính.

Theo đó, khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ các trường hợp được xử phạt không lập biên bản theo quy định tại Điều 56.

Trong những tình huống đặc thù như vi phạm xảy ra trên biển, tàu bay, tàu hỏa, tàu biển hay phương tiện thủy nội địa, người có thẩm quyền như chỉ huy tàu bay, trưởng tàu, thuyền trưởng có trách nhiệm tổ chức lập biên bản và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt khi phương tiện về đến nơi.

Biên bản vi phạm hành chính thông thường phải được lập ngay tại nơi xảy ra hành vi vi phạm, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể lập tại trụ sở hoặc địa điểm khác nhưng phải nêu rõ lý do cụ thể trong biên bản.

Dự thảo cũng đặt ra yêu cầu về tính chính xác và bổ sung trách nhiệm đối với người lập biên bản hoặc người có thẩm quyền xử phạt khi phát hiện sai sót, trong đó biên bản sửa đổi, bổ sung phải được coi là tài liệu không thể tách rời của biên bản gốc.

Đặc biệt, nhằm thích ứng với xu hướng chuyển đổi số, dự thảo bổ sung quy định cho phép lập và gửi biên bản vi phạm hành chính bằng phương thức điện tử nếu cơ quan chức năng cũng như cá nhân, tổ chức vi phạm có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và thông tin.

Biên bản vi phạm hành chính được lập đúng quy định sẽ là căn cứ để ra quyết định xử phạt hành chính, và nếu hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử lý của người lập biên bản, toàn bộ biên bản và tài liệu liên quan phải được chuyển ngay cho người có thẩm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất tăng gấp 10 lần mức tiền xử phạt không cần lập biên bản