Bộ Công đề xuất điều chỉnh tăng mức định lượng tiền để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số tội danh.
Tại Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất hai hình phạt bổ sung là cấm nhập cảnh và giám sát điện tử.
Cụ thể, Điều 45a dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định cấm nhập cảnh vào Việt Nam có thể được áp dụng đối với người nước ngoài bị kết án.
Và Điều 45b quy định giám sát điện tử là việc sử dụng thiết bị điện tử để quản lý, giám sát.
"Hình phạt giám sát điện tử được áp dụng để theo dõi đối với người được hưởng án treo, người bị quản chế, cấm cư trú hoặc người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về hành vi phạm tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép, ma túy, ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình; phạm tội vì mục đích chống chính quyền Nhân dân", dự thảo nêu.
Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, có thể áp dụng hình phạt giám sát điện tử đối với người đang chấp hành hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung hoặc người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về các hành vi phạm tội không thuộc quy định nêu trên.
Về thời gian áp dụng hình phạt giám sát điện tử, Bộ Công an đề xuất không quá thời hạn của án phạt quản chế, cấm cư trú; không quá thời gian thử thách của người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Cũng theo đề xuất của cơ quan soạn thảo, Chính phủ quy định chi tiết thi hành hình phạt giám sát điện tử.
Cũng tại dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ Công an đề xuất điều chỉnh tăng mức định lượng tiền để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số tội danh như Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đánh bạc.
Tại tờ trình dự thảo này, Bộ Công an cho biết việc điều chỉnh này nhằm bảo đảm phù hợp với sự biến động của giá cả, trượt giá của đồng tiền sau gần một thập kỷ thi hành Bộ luật Hình sự 2015. Sự thay đổi trong điều kiện kinh tế - xã hội cũng khiến tính chất nguy hiểm của cùng một hành vi ở các thời điểm khác nhau không còn tương đương.
Việc duy trì quy định về mức định lượng tiền quá lâu, không điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, có thể dẫn tới quá nghiêm khắc, các hành vi dễ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, với tội danh Tham ô tài sản, Bộ Công an đề xuất xử lý hình sự khi số tiền nhận hối lộ từ 5 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng sẽ bị phạt tù 2 - 7 năm. Trong khi đó, quy định hiện hành được áp dụng với người có hành vi nhận hối lộ từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.
Tương tự với tội danh "Nhận hối lộ", theo quy định hiện hành tại Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi nhận hối lộ từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng (lần đầu) sẽ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm. Còn tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất chỉ xử lý hình sự khi số tiền nhận hối lộ từ 5 triệu đồng trở lên.
Cũng liên quan đến tội Tham ô tài sản và tội Nhận hối lộ, tại dự thảo này, Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế hình phạt tử hình bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án.
Toàn dự thảo, Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật hình sự hiện hành.