Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, theo dự luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi.
Sáng 28/3, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại báo cáo số 87, Chính phủ đề nghị có quy định chặt chẽ hơn về việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong đời sống xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng. Việc này nhằm bảo đảm tính pháp lý, giữ gìn sự trang trọng, tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến đến nhân dân, hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn.
Thường trực Ủy ban Pháp luật thống nhất cần thiết bổ sung quy định này, cụ thể sẽ sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7. Theo đó, dự luật quy định "Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca".
Đại biểu Lê Minh Nam, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, cho rằng hiện nay Việt Nam mới có các quy định về xử lý hành vi xâm phạm đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chứ chưa quy định cụ thể về sử dụng theo Luật Sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca "là đối tượng đặc biệt, là biểu tượng của quốc gia, quy định trong Hiến pháp", vì vậy "phải có những quy định riêng, cần được đối xử đặc biệt hơn".
Ông Nam phân tích, theo thông lệ quốc tế, một số nước có quy định riêng về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, bao gồm cả quy định liên quan như quyền tác giả. Thực tiễn vừa qua đã có một số vụ gây bức xúc như tắt tiếng Quốc ca trong một trận đấu của đội tuyển bóng đá Việt Nam, ảnh hưởng đến việc nhân dân được tiếp cận Quốc ca cũng như thể diện của quốc gia. "Cần có giải pháp để khắc phục những việc như vậy", ông Nam nói.
Cũng nêu thực trạng hiện nay chưa có văn bản quy định cụ thể về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca mà phải viện dẫn quy định từ một văn bản rất lâu đời năm 1957, đại biểu Nguyễn Công Long (Thường trực Ủy ban Tư pháp) cho rằng đây là lỗ hổng. "Cần bổ sung quy định sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và Chính phủ là chủ thể phù hợp nhất phụ trách việc này", ông nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng đồng tình với quy định tại dự luật. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến vì Hiến pháp là sự hiến định cao nhất. Đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ, Chính phủ kịp thời đề nghị bổ sung nội dung này khi sửa luật vì "sẽ giải quyết được những rắc rối phát sinh trong thực tiễn".
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết nội dung về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca hiện được điều chỉnh trong nhiều văn bản pháp luật như Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, các luật chuyên ngành khác. Mỗi luật quy định theo phạm vi điều chỉnh riêng. Vì vậy, nội dung này được bổ sung trong dự luật là về thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Chính phủ cũng có quyết định liên quan đến việc phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
Ngoài bổ sung về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, dự luật còn quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì; không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, dự luật hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao; quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi. Bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra; khuyến khích thương mại hóa và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ... đã sớm được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đề ra.
"Việc ban hành luật sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4", Chủ tịch Quốc hội nói.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ ba, khai mạc tháng 5.
Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ diễn ra trong hai ngày 28-29/3, được tổ chức theo hình thức tập trung tại Hội trường Diên Hồng kết hợp trực tuyến qua phần mềm cài đặt trên thiết bị iPad của đại biểu Quốc hội.