Bác Hồ đã nói rằng con mắt, đôi tai của quần chúng nhân dân chính là những “ngọn đèn pha” có thể soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp.
Thực hiện lời di huấn trên, trong những năm qua, Tòa án các cấp luôn đề cao vai trò của các tổ chức, đoàn thể và cơ quan truyền thông trong phòng, chống tham nhũng.
Tăng cường vai trò của tổ chức đoàn thể đối với phòng, chống tham nhũng
Thực hiện quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 99/2005/NĐ-CP ngày 28/7/2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; Nghị định số 47/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, trong thời gian qua, TANDTC nói riêng, hệ thống Tòa án nói chung đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện để các tổ chức đoàn thể quần chúng và Ban Thanh tra nhân dân trong đơn vị tham gia có hiệu quả vào công tác phòng, chống tham nhũng. Cấp ủy và lãnh đạo các đơn vị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành Quy chế dân chủ ở cơ sở; lắng nghe, tôn trọng ý kiến góp ý, phê bình và tạo điều kiện để cán bộ, công chức, người lao động thực hiện việc giám sát, kiểm tra các mặt hoạt động của cơ quan. Lãnh đạo các đơn vị luôn đề cao vai trò của tổ chức Công đoàn, tạo điều kiện cho các tổ chức đoàn thể quần chúng tham gia vào các công việc chung của cơ quan. Quá trình triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại TANDTC và các đơn vị luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban cán sự Đảng, lãnh đạo cơ quan, Đảng ủy với các tổ chức đoàn thể quần chúng như: tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh... Đối với Ban Thanh tra nhân dân của các đơn vị đều xây dựng chương trình công tác và tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị cán bộ, công chức, Quy chế nội bộ của cơ quan. Do đó, các đơn vị luôn đảm bảo sự nghiêm túc, minh bạch, tính dân chủ, góp phần tích cực vào việc thực hiện có hiệu quả các hoạt động của cơ quan, qua đó không ngừng phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, người lao động.
TANDTC tổ chức Hội nghịTổng kết thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng
Mặt khác, hàng năm TANDTC và các Tòa án địa phương đều tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, người lao động. Trên cơ sở Nghị quyết Hội nghị, các đơn vị đã kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế của cơ quan như: Quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý và sử dụng biên chế; thực hiện công khai kế hoạch công tác của cơ quan, công khai kinh phí hoạt động, kế hoạch mua sắm, sửa chữa tài sản, công tác tuyển dụng, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ. Trong các cuộc họp giao ban, các vấn đề liên quan đến chính sách, chế độ, quyền lợi và trách nhiệm của cán bộ, công chức đều được phổ biến, quán triệt để nhằm tăng cường sự minh bạch, cũng như tăng cường hơn nữa vai trò của các tổ chức đoàn thể quần chúng đối với phòng, chống tham nhũng.
Hàng năm cơ quan Thanh tra của TANDTC đều tiến hành thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực công tác dễ dẫn đến có những sơ hở hoặc nhũng nhiễu làm nảy sinh hành vi tham nhũng như: công tác tổ chức cán bộ, quản lý ngân sách, tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đặc biệt là trong việc giải quyết các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án... qua đó, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại.
Đề cao vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí
Trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãnh đạo TANDTC và các Tòa án địa phương đặc biệt coi trọng vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc giám sát cán bộ, công chức và phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Cùng với việc góp phần tuyên truyền phổ biến đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, báo chí đã phát hiện và phản ánh nhiều vụ việc tham nhũng hoặc thông qua hoạt động nghề nghiệp của mình phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Những bài báo đó không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, mà còn tạo ra dư luận xã hội trong việc đấu tranh với những hành vi vi phạm, đồng thời thúc đẩy các cơ quan chức năng vào cuộc. Chính vì vậy, lãnh đạo Tòa án các cấp luôn đề cao vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí trong việc tham gia phòng, chống tham nhũng. Các Tòa án đã chủ động công khai việc xử lý các vụ việc tham nhũng và định hướng thông tin cho các cơ quan báo chí, ngôn luận để thông tin giải tỏa các bức xúc trong dư luận xã hội. Bên cạnh đó, lãnh đạo các đơn vị kịp thời biểu dương, khen thưởng và bảo vệ những người có thành tích trong việc phát hiện, phản ánh các vụ việc tham nhũng; đồng thời xử lý nghiêm việc để lộ bí mật, việc đưa tin sai sự thật, có dụng ý xấu, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu.
Đối với các cơ quan thông tin tuyên truyền của TAND, lãnh đạo TANDTC đã tạo mọi thuận lợi để phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong phòng, chống tham nhũng. Các đơn vị như: Báo Công lý, Tạp chí TAND và Cổng thông tin điện tử đã đẩy mạnh phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đăng tải nhiều thông tin quan trọng liên quan đến các vụ án tham nhũng lớn, hay các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, biểu hiện tiêu cực. Các thông tin được phản ánh một cách công khai, minh bạch, giúp bạn đọc cả nước nắm bắt được đầy đủ vụ việc, qua đó giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng của quần chúng nhân dân nói chung, cán bộ, nhân viên Tòa án các cấp nói riêng. Thông qua báo chí, TAND các cấp đã kịp thời phát hiện, xử lý những cán bộ, công chức vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử hay vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tăng cường kiểm tra và tự kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngăn chặn, răn đe hành vi tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, để các cơ quan báo chí kịp thời đưa tin, các Tòa án trong cả nước luôn tích cực tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí kịp thời tác nghiệp, cung cấp thông tin khi có yêu cầu.