Đấu thầu qua mạng hướng tới Chính phủ điện tử: Không thể chần chừ

17/08/2012 07:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với chủ trương hướng tới một Chính phủ điện tử, trong đó có việc ứng dụng thương mại điện tử vào mua sắm công, Bộ KH&ĐT đã bước đầu triển khai thí điểm dự án đấu thầu qua mạng từ năm 2009.

 

Thành công của giai đoạn thí điểm này được xem là bước đi thuận lợi đầu tiên để góp phần thực hiện định hướng Chính phủ điện tử trong tương lai.

Lợi ích thấy rõ

Theo Bộ KH và ĐT, với 3 năm thực hiện thí điểm vừa qua, trong đó thực chất chỉ có hơn 1 năm triển khai, còn lại là thời gian chuẩn bị, nhưng hệ thống đấu thầu qua mạng (ĐTQM) đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật. Cụ thể, hệ thống này đã thực hiện đăng tải gần 800 thông tin kế hoạch đấu thầu, hơn 20.000 thông báo mời thầu với sự tham gia đăng ký của hơn 1.100 bên mời thầu và khoảng 400 nhà thầu. Nếu tính từ đầu năm đến nay, hệ thống ĐTQM đã đăng tải hơn 30.000 thông báo mời thầu, hơn 1.000 kế hoạch đấu thầu. Số lượng người dùng đăng ký sử dụng hệ thống cũng tăng vọt với hơn 3.500 bên mời thầu và hơn 1.000 nhà thầu. Tính chung, hệ thống ĐTQM đã thực hiện thành công trên 200 gói thầu. 

Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ KH và ĐT, cho biết: kết quả đạt được trong giai đoạn thí điểm là bài học kinh nghiệm quan trọng cho việc thực hiện ĐTQM trong thời gian tới. Hệ thống đã đạt hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu về quy mô, dung lượng đường truyền cũng như đáp ứng hoàn toàn yêu cầu đăng tải thông tin đấu thầu trên mạng. Bên mời thầu thực hiện toàn bộ quy trình đấu thầu trên hệ thống này đối với các gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế và chào hàng cạnh tranh. Nhà thầu cũng tham dự thầu bằng cách đăng ký, nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), hồ sơ đề xuất trên hệ thống.

 

Đấu thầu qua mạng hướng tới Chính phủ điện tử:  Không thể chần chừ

Lễ mở thầu gói thầu "Xây dựng công giao tiếp điện tử Tp. Hà Nội

 

Bà Nguyễn Thu Hiền, Trưởng ban Quản lý đấu thầu của công ty thuộc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, một trong những đơn vị tham gia thí điểm lần này, cũng đã thành công nhiều gói thầu, nhận xét: Hệ thống này thực sự tiên tiến, nó tạo ra bước đột phá trong việc giảm thiểu các thủ tục, nâng cao sức lao động cũng như giảm thiểu tất cả khâu trung gian trong quá trình thực hiện việc đấu thầu. Thí dụ như việc giảm thiểu về thủ tục hành chính, nếu việc mở thầu truyền thống bao giờ cũng phải có một buổi mở thầu với đầy đủ các ban bệ, nhưng ngược lại ĐTQM không cần sự tham dự của các bên. Điều đó tiết kiệm về thời gian cho các chủ thể. “Bản chất của việc đấu thầu đã đề cao tính minh bạch, công bằng, nhưng ĐTQM sẽ thể hiện rõ hơn khi tất cả các thông tin đều được công khai, ngay từ việc thông tin mở thầu, về quá trình thực hiện việc xét thầu” - bà Hiền nhấn mạnh.

 

Dưới góc độ của bên dự thầu, ông Ngô Đình Luyện, Giám đốc điều hành, Công ty CP Công nghệ điện tử ứng dụng, cho biết: Bản thân doanh nghiêp đã nhận thấy nhiều ưu việt của hình thức này, trong đó có lợi ích của việc giảm được các chi phí. Một thuận lợi khác là không còn khoảng cách địa lý, tận dụng được quỹ thời gian làm hồ sơ dự thầu vì có thể đệ trình sát thời hạn chót, điều này đặc biệt hữu ích khi tham gia các gói thầu phát hành từ địa phương khác, xa về khoảng cách địa lý. 

 

Khắc phục tồn tại đề hoàn thiện 

 

Bàn thảo xung quanh vấn đề này, ở một góc độ khác, nhiều chuyên gia  nhận xét: Trong quá trình thực hiện, hệ thống ĐTQM cũng đã bộc lộ một số hạn chế có thể làm cho ĐTQM chưa phát huy hết hiệu quả. Vì vậy cần sớm khắc phục để hoàn thiện hệ thống. 

 

Khó khăn phải kể tới là khả năng kết nối dữ liệu dùng chung giữa các hệ thống Chính phủ điện tử còn hạn chế, khiến một số chức năng như kiểm tra thông tin đăng ký, thanh toán qua mạng,... chưa thể thực hiện trực tuyến, ảnh hưởng tới quá trình đấu thầu. Nhưng có lẽ, hạn chế lớn nhất là vấn đề con người. Ưu điểm nổi bật của ĐTQM là nhà thầu không tiếp xúc trực tiếp với chủ đầu tư, bên mời thầu. Điều này đương nhiên khó phát sinh tiêu cực, không thể “bàn bạc” trước được nên tính minh bạch và cạnh tranh cao hơn. Nhưng chính do tính “minh bạch cao” nên lại khiến một số chủ đầu tư “ngập ngừng và e ngại”… 

 

Hệ thống đấu thầu qua mạng vì đang trong quá trình thử nghiệm nên còn nhiều vấn đề không tiện ích, ví dụ như nhà thầu tải tài liệu lên trang mạng mua sắm công nhưng trước thời điểm mở thầu, nhà thầu muốn thay đổi một số nội dung cũng không thể thay đổi được. Thậm chí, gửi thư giảm giá trước thời điểm đóng thầu cũng không tiến hành được, điều này rất bất tiện cho các nhà thầu. 

 

Về các vấn đề khác như đảm bảo tính pháp lý, chặt chẽ, khách quan cũng như sự đảm bảo tính an toàn dữ liệu và bảo mật thông tin, hiện tại nhiều nhà thầu cho rằng chỉ tin tưởng cảm tính, không thể biết được mức độ an toàn như thế nào. Mặt khác, phía nhà thầu vẫn còn có nhiều lo lắng vì nếu thông tin dự thầu lọt ra trước thời điểm mở thầu, công tác ĐTQM sẽ không còn khách quan nữa.

 

Nhằm giải quyết những khó khăn trên, ông Lê Văn Tăng cho rằng trước hết cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hiệu quả khi ĐTQM; cải thiện hạ tầng công nghệ, nâng cao dung lượng đường truyền. Bên cạnh đó, cần ban hành những quy định cụ thể về tỷ lệ đấu thầu qua mạng. Trong giai đoạn 2 (từ nay đến năm 2015) hệ thống ĐTQM sẽ được mở rộng hơn, áp dụng cho nhiều đơn vị, cơ quan hơn. Do vậy, việc hoàn thiện một hệ thống với đầy đủ các chức năng bao gồm: đấu thầu điện tử (E-bidding), mua sắm điện tử (E-shopping), hợp đồng điện tử (E-contracting), thanh toán điện tử (E-payment) là vô cùng quan trọng. 

 

Để thành công trong giai đoạn này, Bộ KH và ĐT đã báo cáo với Chính phủ, đề nghị nâng số cơ quan, đơn vị, địa phương áp dụng ĐTQM từ 3 đơn vị thí điểm ban đầu lên 15 đơn vị trong năm 2012.

 

Theo Bộ KH và ĐT, Luật Đầu tư công và Mua sắm công dự kiến trình Quốc hội ban hành trong năm 2013 sẽ có những quy định rõ ràng và đầy đủ về ĐTQM. Đây sẽ là hành lang pháp lý vững chắc để áp dụng rộng rãi hệ thống ĐTQM trong thời gian gần.

“Chúng tôi đang triển khai công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho mọi người thấy được lợi ích của đấu thầu qua mạng cũng như chỉ ra khó khăn để cùng nhau vượt qua. Sắp tới, trong Luật Đấu thầu sửa đổi sẽ có nội dung quy định bắt buộc các gói thầu phải thực hiện đấu thầu qua mạng theo từng giai đoạn và sẽ đưa ra các chế tài. Ví dụ như nếu gói thầu dùng ngân sách nhà nước nếu không đấu thầu qua mạng sẽ không thanh toán... “ - 

Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT

Quang Toàn

 

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đấu thầu qua mạng hướng tới Chính phủ điện tử: Không thể chần chừ