Tư vấn pháp luật

Đặt máy quay lén tại những nơi "nhạy cảm" bị xử lý thế nào?

Việt An 26/10/2024 - 09:26

Hành vi đặt camera quay lén là hành vi xâm phạm tới quyền về hình ảnh của cá nhân được pháp luật bảo hộ, đây cũng có thể được coi là một dạng hành vi quấy rối tình dục.

Bạn đọc Nguyễn Thị Minh hỏi: Vừa qua, tại một trường học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh lan truyền thông tin camera giấu kín tại khu vực nhà vệ sinh, gây hoang mang cho tâm lý học sinh của nhà trường. Cách đây không lâu, vụ việc một nghệ sĩ Việt bị quay lén khi đang thay đồ cũng gây xôn xao dư luận. Vậy hành vi đặt máy quay lén tại những nơi "nhạy cảm" như trên bị xử lý ra sao?

Luật sư Hà Thị Khuyên, (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) trả lời: Việc đặt camera quay lén được giấu kín là hành vi vô đạo đức, vi phạm pháp luật, rất đáng bị lên án, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh và xử lý nghiêm đối tượng theo quy định pháp luật.

camera-quay-len.jpg
Một camera quay lén ngụy trang trong ổ điện 3 chấu được phát hiện tại khu vực nhà vệ sinh ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông gây xôn xao.

Hành vi đặt camera quay lén là hành vi xâm phạm tới quyền về hình ảnh của cá nhân được pháp luật bảo hộ, đây cũng có thể được coi là một dạng hành vi quấy rối tình dục và có thể bị áp dụng các chế tài xử phạt khác nhau theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP và Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ động cơ, mục đích của người thực hiện hành vi. Trường hợp người quay clip nhằm mục đích làm nhục, xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; nhằm phát tán, lan truyền trên mạng xã hội hay tống tiền, tống tình nạn nhân..., đã thực hiện và gây ra hậu quả, cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hình sự về các tội danh khác nhau như: Làm nhục người khác, Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, Cưỡng dâm, Cưỡng đoạt tài sản, Đưa trái phép thông tin lên mạng máy tính, mạng viễn thông...

Trường hợp hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định về vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó; Cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp.

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân; Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đặt máy quay lén tại những nơi "nhạy cảm" bị xử lý thế nào?