Thông tin doanh nghiệp

Đào tạo nhân lực “thực chiến” ngay trên công trường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Doanh Nhân 26/04/2025 - 14:50

Mô hình huấn luyện thực hành ngay trên công trường dự án Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn) đang mở ra cách thức đào tạo mới chú trọng tính “thực chiến”, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ cho khối lượng công việc ngày càng cao tại các dự án trọng điểm.

Khi công trường là thao trường

Gần 7 giờ sáng một ngày cuối tháng 4 trên công trường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Lỳ A Chớ - học viên lớp 56NĐ1, khoa Công trình Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 1 (GTVT TW1) nhanh chóng bắt tay vào công việc lu nền tại khu vực Km 56.

Sau khi kiểm tra máy một hồi, Chớ vặn chìa khóa khởi động xe rồi gạt cần. Chiếc xe lu chuyển động êm ru dưới các thao tác thuần thục của chàng trai 17 tuổi này.

Ở trường, chúng em đã được cho thực hành lái xe, nhưng tần suất ít hơn nhiều so với ngoài thực tế”, Chớ cao giọng để át đi tiếng máy. “Lên đây, thầy ngồi trong cabin một buổi chỉ dạy thêm, sau đó em tự vận hành máy được rồi”.

Các học viên Trường Cao đẳng GTVT TW1 được hướng dẫn vận hành máy móc trên công trường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

“Trăm hay không bằng tay quen”, vẫn có nhiều phân đoạn khó mà Chớ không thể tự vượt qua. Khi đó, các công nhân trực tiếp thi công sẽ cùng với thầy giáo, chia sẻ kinh nghiệm cho cậu.

Chớ là một trong 28 học viên của Trường Cao đẳng GTVT TW1 được điều động cùng 5 giảng viên lên thực tập và trực tiếp tham gia thi công trên công trường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh trong vòng 60 ngày.

Quả thực, từ lý thuyết đến thực tiễn luôn có khoảng cách lớn đối với các học viên ngành xây dựng công trình, nhưng chính môi trường sinh động nơi công trường đã giúp các em dần “vỡ” ra những kiến thức được học trên giảng đường để từ đó áp dụng vào quy trình thi công.

Trước khi vận hành máy móc, các học viên được đào tạo về quy tắc an toàn, vệ sinh lao động trên công trường.

Lần đầu đặt chân tới một công trường thực thụ, nơi quy tụ đủ loại máy móc, thiết bị tiên tiến cùng đội ngũ công nhân lành nghề, Chớ và các bạn đồng trang lứa không khỏi bỡ ngỡ với môi trường làm việc “sương gió” bụi bặm, nhưng cũng cực kỳ kỷ luật và nề nếp.

Bắt đầu ngày mới từ 5 giờ sáng, các sinh viên khởi động “ca làm việc” lúc khoảng 6 rưỡi - 7 giờ sau khi di chuyển đến các địa điểm tập kết trên công trường. Các em có 2 giờ nghỉ trưa để “nạp năng lượng”, công việc được tiếp nối đến 17 giờ để các bạn trẻ dần quen với nhịp độ làm việc trên thực địa.

Trực tiếp quản lý một nhóm 9 học viên, thầy Chu Đặng Quý – giảng viên khoa Công trình Trường Cao đẳng GTVT TW1, cho biết phần lớn các em đang ở độ tuổi ngồi ghế nhà trường, chưa va vấp kinh nghiệm thực tế, nhưng chỉ sau vài buổi, đều đã nắm được quy trình vận hành máy móc và quen với kỷ cương nơi làm việc.

Các học viên được chia làm các nhóm thực hành riêng biệt phân bổ về các vị trí công trường

Với những học viên lớn tuổi hơn, thầy Quý và đồng nghiệp chỉ cần rà soát lại quy định an toàn; trong khi nhóm nhỏ tuổi được tập trung rèn luyện kỹ năng giao tiếp chuyên môn, từ cách trao đổi với các anh lớn đến phối hợp vận hành máy.

Giai đoạn đầu, các học viên được giao vận hành xe lu, vốn dễ tiếp cận và thực hành. Sau khi thành thạo, các em được chuyển sang chỉ dạy vận hành máy xúc, do đòi hỏi kỹ thuật cao hơn.

Có khó khăn bởi đối với các bạn trẻ thì đây đều là lần đầu tiếp xúc với môi trường làm việc thực sự, lại chuyên nghiệp với yêu cầu chuẩn chỉ, khắt khe. Nhưng nhờ được hướng dẫn bài bản để nắm vững quy định an toàn, các chi tiết kỹ thuật và văn hoá ứng xử trên công trường, các em nhanh chóng thích nghi, đáp ứng yêu cầu đặt ra”, thầy Quý chia sẻ.

Cần nhân rộng mô hình

Chỉ còn chưa đầy 8 tháng đến mốc mục tiêu thông tuyến trong năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ đặt ra, các nhà thầu tại hai dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng – Trà Lĩnh đang dồn mọi nguồn lực để đáp ứng tiến độ.

Đối mặt với khối lượng công việc vô cùng đồ sộ, các nhà thầu đã huy động hàng loạt máy móc tiên tiến lên các công trường ở Lạng Sơn và Cao Bằng để tăng ca, kíp. Tuy nhiên, tình trạng “thừa máy, thiếu thợ” nhanh chóng trở thành thách thức lớn. Việc tuyển dụng công nhân lái xe và vận hành máy móc càng trở nên nan giải, khi xuất hiện tình trạng nhà thầu cạnh tranh “lôi kéo” nhân công.

Thi công đêm tại dự án Hữu Nghị - Chi Lăng

Đối mặt với bài toán “khát” nhân lực trên công trường, Tập đoàn Đèo Cả - với vai trò nhà đầu tư đứng đầu liên danh của hai dự án, đã phối hợp với Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải TW1 và TW4 để “đặt hàng” bổ sung ngay nguồn nhân sự từ chính cơ sở đào tạo.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Chường - Trưởng khoa Công trình (Trường Cao đẳng GTVT TW1), cho biết đây là cơ hội quý báu để giảng viên được nâng cao kỹ năng tay nghề, học viên được tiếp cận với thực tế sản xuất và công nghệ mới trong xây dựng.

"Ngoài việc được hỗ trợ chi phí sinh hoạt, các thầy trò sẽ được hỗ trợ thêm kinh phí theo tháng nếu kết quả thực tập tốt và đóng góp chất lượng cho công việc tại dự án", ông Chường thông tin.

Thông qua mô hình thực tập tại công trường, nhà trường có cơ sở để điều chỉnh chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; học viên được tiếp cận thực tế công việc, nâng cao kỹ năng thực hành và có cơ hội việc làm nếu đáp ứng phù hợp với doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp có thêm lựa chọn tuyển dụng và tiết kiệm chi phí tái đào tạo.

"Bởi đây là sản phẩm nguồn nhân lực chất lượng do chính nhà trường và doanh nghiệp kết hợp đào tạo", ông Chường chia sẻ và cho biết thời gian tới trường sẽ bổ sung thêm 150 -200 học viên tham gia chương trình thực tập.

Trong chuyến công tác kiểm tra hai dự án hai dự án Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh ngày 21/4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã trực tiếp quan sát và thăm hỏi, động viên các học viên Trường Cao đẳng GTVT TW1 đang tham gia thi công trên công trường.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh tặng quà động viên giảng viên và học viên trường Cao đẳng GTVT TW1 tham gia làm việc trên công trường

Người đứng đầu ngành xây dựng đánh giá cao sáng kiến “biến công trường thành thao trường” của Tập đoàn Đèo Cả, cho đây là cơ hội quý giá để học viên các trường cao đẳng nghề giao thông được thực hành, nâng cao năng lực thực tế.

Đề nghị Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu nhân rộng mô hình này không chỉ ở các dự án cao tốc phía Bắc, mà cả ở phía Nam”, ông Trần Hồng Minh kêu gọi.

Trong bối cảnh ngành xây dựng đang chuẩn bị nguồn lực cho các dự án chiến lược như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị... nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò then chốt.

Hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng về phát triển nguồn nhân lực nơi các dự án đi qua, Đèo Cả đã triển khai chương trình “Công nhân thực hành” và “Kỹ sư thực chiến” với quy mô tuyển sinh 500 - 1.000 học viên mỗi năm. Trong đó, “Kỹ sư thực chiến” dành cho những học viên đã hoàn thành khóa “Công nhân thực hành”, có chính sách tài trợ cho người học đạt thành tích tốt và cam kết làm việc tại Tập đoàn.

Thi công trên công trường Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Trở lại với công trường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Lỳ A Chớ hy vọng sau khi kết thúc chương trình thực tập, cậu sẽ được giữ lại làm việc tại môi trường chuyên nghiệp này để sớm tự lập, có nhiều điều kiện học hỏi và góp sức cho các dự án giao thông. “Bản thân em sẽ cố gắng nhiều hơn nữa trong khóa thực tập này”, Chớ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nhân lực “thực chiến” ngay trên công trường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh