Chuyện về nụ cười của cán bộ, công chức khi tiếp dân không phải là câu chuyện mới. Nó được nhắc đến cách đây ít nhất 4 năm khi một số địa phương mở lớp đào tạo cho công chức tập cười.
Sở dĩ tôi khơi lại câu chuyện này là vì trước đó ngày 7/2, tại buổi làm việc với Huyện ủy Phúc Thọ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khi quán triệt về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức có nói: "Chúng ta vẫn hay nói là chính quyền phục vụ mà đã là chính quyền phục vụ thì kể cả người dân nóng tính, có xưng hô thế nọ thế kia chúng ta cũng phải vui. Bây giờ phải tập đứng trước gương cười. Chứ còn nóng tính lên như hôm nọ có trường hợp một cô nhân viên mắng dân ầm ầm nhìn rất phản cảm".
Trước đó nữa, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và Triển khai công tác năm 2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung cũng nói: "Mỗi vị trí, mỗi người cần biết nở nụ cười trên môi, biết nói cảm ơn, xin lỗi. Phải luôn thân thiện, giữ đúng nguyên tắc nhưng phải gần gũi. Cần hạn chế thấp nhất phiền hà cho người dân...".
Nụ cười của nhân viên một số cơ quan công quyền trước đây được ví như một thứ xa xỉ phẩm, nhất là đối với người dân. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều lần trong các trường hợp khác nhau hình ảnh cán bộ ở chính quyền địa phương quát người dân như quát con. Còn người dân thì khúm núm, lắp bắp trước những người "đầy tớ" của mình.
Từ nhiều năm trước, ở một số địa phương đã tích cực thay đổi hình ảnh, thái độ phục vụ, cách ứng xử của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong mắt người dân. Ví như tỉnh Đồng Tháp, thời điểm năm 2013, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Vĩnh Tân (nay là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) đã rất kiên quyết: "Cán bộ không đủ chuẩn và không biết cười, không đồng cảm với nhân dân thì dứt khoát phải cho nghỉ".
Thế nhưng cho đến bây giờ ở một số cơ quan nhà nước vẫn xuất hiện lối nói cửa quyền, hách dịch, kỳ thị, giận cá chém thớt, đá thúng đụng nia của cán bộ tiếp dân. Công cuộc làm thay đổi thái độ ứng xử, thậm chí là mở lớp tập cười cho cán bộ đầy hài hước được thực hiện gần nửa thập kỷ nhưng cho đến nay các lãnh đạo địa phương vẫn liên tục nhắc nhở, quán triệt. Xem ra, kết quả bao nhiêu năm dạy cười không hơn là mấy.
Nụ cười phải bắt đầu từ cảm xúc và sự đồng cảm (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Chúng ta đặt câu hỏi, cười có khó không và có cần phải tập không? Có thể khó lắm chứ. Bởi cười không phải chỉ đơn giản là nhếch mép hay nhe răng.
Trong nghệ thuật tuồng, trước đây NSND Đàm Liên nổi tiếng với 36 điệu cười. Về sau tôi còn đọc ở đâu đó có người còn cười được hơn 100 điệu. Và để cười được như thế thì bắt buộc phải tập, tập đến đau rát cổ họng. Nhưng cái cười trong tuồng khác, nó không phải cái cười cơ học tức là nó không phải là bản năng mà là một phản xạ được đào tạo. Hẳn nhiên cái cười ấy chỉ sử dụng để diễn.
Con người khi sinh ra đã biết khóc, biết cười đó được gọi là tiếng cười, tiếng khóc bẩm sinh. Như thế những người không biết cười hoặc không biết khóc rất có thể do một khuyết tật nào đó.
Cách đây hơn 20 năm, khi tôi còn nhỏ đã được xem một bộ phim nước ngoài có tựa "Nụ cười đã bán" trên chiếc ti vi màn hình đen trắng. Tôi nhớ mang máng, nội dung bộ phim nói về cậu bé nghèo có nụ cười rất đẹp. Một người giàu có sau đó đã bỏ số tiền lớn để mua nụ cười này với điều kiện cậu nhóc sẽ không bao giờ được cười nữa. Nó được đảm bảo bằng một lời nguyền.
Cha mẹ của cậu bé không biết sự việc nên đã đưa con mình đi khắp nơi để tìm lại nụ cười. Họ đã dùng rất nhiều cách, thậm chí đưa cậu bé đi xem một vở hài kịch nổi tiếng và kích thích bằng rất nhiều trò gây cười nhưng không thành. Nhớ lại bộ phim này tôi chột dạ, biết đâu những người không biết cười cũng đã bán nụ cười của mình với một cái giá nào đó và bị khống chế bằng lời nguyền thì sao? Đó chỉ là giả thiết vui thôi.
Con người không phải cái máy, không phải vật vô tri vô giác nên nếu không biết cười thì đó là một khiếm khuyết. Tuy nhiên, nụ cười phải bắt đầu từ cảm xúc, từ trái tim biết đồng cảm giữa người với người gắn với hành động phù hợp trong một ngữ cảnh cụ thể.
Cái cười gượng gạo, những cái nhếch mép, nhe răng đôi khi còn là sự thiếu tôn trọng và chứa đầy giả dối.