Theo Pháp lệnh Chi phí tố tụng, từ 1/7/2025, mức phụ cấp xét xử cho 1 ngày thực tế tham gia phiên toà, nghiên cứu hồ sơ của Hội thẩm là 900.000 đồng/người/ngày.
Chiều 20/12, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh Chi phí tố tụng.
Giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Tư pháp người chưa thành niên, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết, gồm 12 Chương, 73 Điều. Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025.
Pháp lệnh này quy định về một số chi phí tố tụng; tạm ứng chi phí tố tụng; trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng; kinh phí chi trả chi phí tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Việc xác định chi phí, tạm ứng chi phí, trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu chi phí, kinh phí chi trả chi phí trong quá trình Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh này.
Án phí, lệ phí Tòa án không thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh này.
Phụ cấp xét xử cho Hội thẩm 900.000 đồng/ngày
Đáng chú ý, pháp lệnh quy định mức phụ cấp xét xử cho 1 ngày thực tế tham gia phiên tòa, nghiên cứu hồ sơ của Hội thẩm là 900.000 đồng/người/ngày.
Ngoài ra, pháp lệnh quy định chi phí cho người bào chữa là luật sư, trợ giúp viên pháp lý được xác định theo luật sư, trợ giúp pháp lý; chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là 700.000 đồng/người/ngày.
Quy định trách nhiệm chi trả chi phí cho người bào chữa trong trường hợp chỉ định người bào chữa là luật sư, trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân.
Pháp lệnh cũng quy định chi phí cho người chứng kiến trong tố tụng hình sự. Quy định chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến gồm: Chi phí thù lao, chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, chi phí thuê phòng nghỉ và chi phí khác.
Quy định về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài
Ngoài ra, Pháp lệnh quy định về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, gồm các chi phí: dịch thuật, công chứng, chứng thực hồ sơ ủy thác tư pháp, thông qua kết quả thực hiện của nước được ủy thác tư pháp; tống đạt hồ sơ ủy thác tư pháp ở nước ngoài; thu thập, cung cấp chứng cứ ở nước ngoài; chi phí theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của quốc gia liên quan. Việc xác định chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài được thực hiện theo pháp luật tương trợ tư pháp.
Quy định về xác định chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài trong tố tụng hình sự gồm: Xử lý hồ sơ ủy thác tư pháp; dịch thuật; triệu tập người làm chứng, người giám định; tống đạt hồ sơ ủy thác tư pháp ở nước ngoài; chuyển phát tài liệu, hồ sơ tương trợ tư pháp ra nước ngoài; thu thập, cung cấp chứng cứ ở nước ngoài; chi phí ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật Việt nam và pháp luật của quốc gia liên quan.
Quy định chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng ra nước ngoài trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính thông qua cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài gồm: sao chụp văn bản tố tụng, cước dịch vụ bưu chính ở trong nước, cước dịch vụ bưu chính ở nước ngoài, dịch thuật, chứng thực và chi phí khác.
Quy định nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng, nghĩa vụ chịu chi phí, việc xử lý tiền tạm ứng chi phí.
Nhiều trường hợp được miễn, giảm chi phí giám định trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính
Pháp lệnh cũng quy định miễn, giảm chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Theo Điều 7, người được miễn tiền tạm ứng chi phí, xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định; miễn chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính gồm: Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người cao tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật về người cao tuổi; người khuyết tật được hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật; người có công với cách mạng; Người dân tộc thiểu số cư trú ở các thôn, xã có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi của liệt sĩ, người có công nuôi liệt sĩ; người nhiễm chất độc da cam.
Điều 8 Pháp lệnh quy định người được giảm tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định; giảm chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính là: Người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có đủ tài sản để nộp tạm ứng, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định.
Từ Điều 9 đến Điều 12, Pháp lệnh quy định thủ tục đề nghị miễn, giảm; thẩm quyền quyết định miễn, giảm; mức giảm tiền tạm ứng chi phí, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định không vượt quá 50% tiền tạm ứng, chi phí mà người đó phải nộp