Công an TP Hà Nội đã khám phá vụ án vay qua App lên đến hơn 5.000 tỷ đồng

Ngọc Mai| 08/06/2022 18:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phản ánh thông tin trên, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai (đoàn TP.Hà Nội) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết hành lang pháp lý của hoạt động và quản lý việc cho vay ngân hàng ngang hàng (P2P Lending) mà người dân chỉ biết đến và gọi chung là vay qua App.

Những vướng mắc, bất cập nảy sinh đối với hoạt động vay qua trang Web hoặc vay App mà ngân hàng gọi là cho vay ngang hàng (P2P Lending), tình trạng mạo danh Zalo, Facebook của người khác để lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản được Thống đốc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng giải trình với các ĐBQH trong phiên chất vấn Quốc hội chiều 8/6.

thong-doc-nhnn-giai-dap-ve-vay-qua-app-mao-danh-zalo-facebook-chuyen-tien.jpg
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn TP.Hà Nội): Công an Thành phố Hà Nội đã khám phá án một vụ án vay qua App lên đến hơn 5.000 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho nhân dân

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn TP.Hà Nội) phản ánh hiện nay người dân dễ dàng tiếp cận một loại hình vay khá phổ biến gọi là vay qua trang Web hoặc vay App mà ngân hàng gọi là cho vay ngang hàng (P2P Lending). Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết hành lang pháp lý của hoạt động và quản lý việc cho vay ngân hàng ngang hàng mà người dân chỉ biết đến và gọi chung là vay qua App vì thời gian vừa qua Công an Thành phố Hà Nội đã khám phá một vụ án vay qua App lên đến hơn 5.000 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho nhân dân?

thong-doc-nhnn-giai-dap-ve-vay-qua-app-mao-danh-zalo-facebook-chuyen-tien1.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Trên thực tiễn, hoạt động P2P Lending tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội.

Trả lời câu hỏi các đại biểu quan tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ mới; trong đó, có ứng dụng cho hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending). Tuy nhiên việc thiếu một hành lang pháp lý cho hoạt động này đã gây ra nhiều vấn đề. Về lý thuyết, hoạt động P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên trên thực tiễn, hoạt động P2P Lending tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội.

Về nội dung này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng nhà nước đang xây dựng dự thảo Nghị định để kiểm soát vấn đề này. Trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và ban hành khung pháp lý bao gồm cả các biện pháp chế tài để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho biết, vừa qua có tình trạng mạo danh Zalo, Facebook của người khác để lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản. Có ý kiến cho rằng việc này xuất phát từ công tác quản lý tài khoản tại ngân hàng thương mại chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng hiện nay nền kinh tế có rất nhiều tài khoản tại các ngân hàng thương mại mà người đang sử dụng không phải chủ tài khoản khiến cơ quan chức năng khó khăn trong việc quy trách nhiệm khi có hành vi vi phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi lừa đảo phạm pháp nảy sinh.

Trả lời vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, khuôn khổ pháp lý về mở tài khoản ngân hàng đã ban hành đầy đủ, chi tiết. Cùng với sự mà phát triển của công nghệ cao, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tạo tiền đề để chuyển sang hoạt động ngân hàng số. Theo đó, trong tương lai cho phép mở tài khoản qua phương tiện điện tử và xác thực qua điện tử.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết thêm, trên thực tế đối với các cá nhân khi mở tài khoản thì đều phải xác thực định danh của mình. Mở tài khoản điện tử cũng phải chứng minh nhân dân và căn cước.

Tuy nhiên trong thời gian vừa qua cũng có những hiện tượng lừa đảo, lừa đảo ở trên mạng để lấy những thông tin của chủ tài khoản và trên cơ sở vào những hoạt động của Internet Banking để lấy cắp thông tin và lấy trộm tiền của tài khoản….Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, về vấn đề này Ngân hàng Nhà nước cần phải phối hợp với các bộ, cơ quan chức năng để xác minh, để có những thông tin và đặc biệt là có giải pháp để cảnh báo đối với người dân về những hiện tượng này để người dân có tiền trong tài khoản lưu ý, cảnh giác.

Liên quan vấn đề lừa đảo rồi “siết nợ”, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) cho biết, thời gian qua tại một số địa phương có tình trạng các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng đen núp bóng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính có hoặc không có giấy phép kinh doanh với lãi suất lên tới 300 %/ năm. Trong quá trình hoạt động phát sinh nhiều mâu thuẫn giữa người đi vay với người cho vay, giữa các cổ nhóm cho vay; có hiện tượng đòi nợ thuê, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật… khiến cho nhiều người mất nhà, gia đình ly tán, các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Tuy nhiên, đến nay hiện tượng này vẫn tồn tại và ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn, dẫn đến những hệ lụy to lớn cho gia đình, xã hội.

Ở góc độ của ngành, đại biểu đề nghị Thống đốc nêu rõ những giải pháp lâu dài để giải quyết vấn nạn này, để người dân, đặc biệt là người nông dân có thể dễ dàng tiếp cận hơn với các nguồn tín dụng hợp pháp và yên tâm lao động sản xuất kinh doanh.

Về tình trạng này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, trên cơ sở phản ánh của dư luận, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát và thấy được cần phải sửa đổi các văn bản quy định pháp luật, trong đó có Thông tư của Ngân hàng Nhà nước về cho vay của các công ty tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công an TP Hà Nội đã khám phá vụ án vay qua App lên đến hơn 5.000 tỷ đồng