Chuyện một người “ăn trộm”

Dương Kỳ Anh| 06/10/2016 08:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong luận thuyết của Lão Tử có chuyện về một "người ăn trộm nổi tiếng" họ Quốc ở nước Tề. Người này kể: "Ban đầu ta ăn trộm một năm thì đủ dùng, hai năm thì có dư, ba năm thì giàu có"...

Mấy hôm nay báo chí đang rộ lên chuyện cá chết ở hồ Tây, chuyện ô nhiễm  do Formosa xả thải cũng chưa yên, chuyện ở Tây Nguyên hàng ngàn ha rừng bị tàn phá, chuyện nhiều nơi khai thác cạn kiệt tài nguyên nước, cát… tôi lại nhớ câu chuyện “Người ăn trộm nổi tiếng”.

Chuyện rằng, nước Tề có một người họ Quốc rất giàu có. Nước Tống có một người họ Hướng rất nghèo. Người họ Hướng lặn lội sang nước Tề hỏi người họ Quốc về cách làm giàu.

Người họ Quốc bảo: “Ta chỉ khéo ăn trộm thôi. Ban đầu ta ăn trộm một năm thì đủ dùng, hai năm thì có dư, ba năm thì giàu có. Từ đó ta đem của cải một phần đi cứu giúp người nghèo và trả lại một phần cho những nơi mà ta ăn trộm”.

Người họ Hướng nghe xong thì rất vui mừng. Nhưng khốn nỗi, anh ta chỉ nghe được câu chuyện ăn trộm mà không hiểu cách ăn trộm ra sao.

Lúc trở về nước, người họ Hướng bèn nghĩ cách ban đêm trèo tường vào nhà người khác lấy trộm…

Anh ta ăn trộm không lâu thì bị bắt quả tang, bao nhiêu của cải lấy trộm được bị tịch thu sạch.

Sau khi ra tù, anh chàng họ Hướng bèn đi tìm người ăn trộm họ Quốc để trách mắng. Người họ Quốc hỏi: Anh ăn trộm như thế nào? Người họ Hướng bèn kể lại cách ăn trộm của mình.

Người họ Quốc nói: “Cách ăn trộm của anh sai lầm đến thế ư? Nay tôi bảo cho anh biết: Trời có bốn mùa. Đất có sản vật. Thứ mà tôi ăn trộm là bốn mùa của trời, sản vật của đất. Tôi đi cấy lúa trồng cây, xây tường làm nhà. Trên cạn thì tôi nuôi chim thú, dưới nước thì tôi giăng lưới bắt tôm cá, rùa, ba ba…

Nào hoa màu, cây cối, đất cát, chim muông, tôm cá, ba ba… suy cho cùng là của trời sinh ra cả, nào có phải của ta đâu. Mình dù có săn bắt nuôi trồng thì cũng phải tuân theo lẽ trời, không làm tổn hại đến trời, đến biển, đến đất đai… Và rồi cũng phải trả lại cái gì cho đất đai, trời biến chứ. Còn như vàng bạc, của cải trong nhà người ta là của riêng người ta. Anh ăn trộm những thứ của riêng người khác mang phải tội là đúng, còn trách ai chứ?!

Tuy nhiên, trời đất vạn vật không tách rời nhau, nếu tham lam cái gì cũng muốn có cho riêng mình là hoàn toàn sai lầm. Cách “ăn trộm” theo đạo trời nên không bị tai họa. Cách “ăn trộm” nghịch đạo tư tâm cho nên mới bị tai ương!”. (Liệt Tử)

Ấy là chuyện của người ăn trộm nổi tiếng họ Quốc có từ 2.500 năm trong luận thuyết của Lão Tử.

Chuyện một người “ăn trộm”

Nếu khai thác hết tài nguyên mà không phục hồi lại môi trường tự nhiên sẽ làm mất cân bằng hệ sinh thái. Ảnh minh họa

Ngày nay, phải chăng chúng ta cũng đã học cách “ăn trộm” của người họ Quốc là nuôi trồng cấy hái, khai thác mọi thứ trên đất đai, trời biển, nhưng hình như ở nhiều nơi, nhiều người trong chúng ta chỉ nhớ cái cách làm giàu mà quên đi sau khi “ăn trộm” của trời đất để trở nên giàu có, cái việc mà anh chàng họ Quốc đã làm là phải tuân theo lẽ trời, phải trả lại một phần cho những nơi mà ta “lấy trộm” và chia một phần cho người nghèo.

Mải miết khai thác đến cạn kiệt tài nguyên nhưng không đầu tư để trồng lại cây, cấy lại cỏ, không đầu tư để bảo vệ môi trường, bảo vệ cho trời đất được trong lành, há chẳng phải cách lấy trộm của anh chàng họ Hướng sao? Như vậy là không thuận theo lẽ trời, và tất nhiên sẽ gặp tai họa!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện một người “ăn trộm”