Để thay đổi một thói quen hay tập quán của người dân tộc không phải là chuyện đơn giản. Chính vì vậy mà cần nhiều hơn các chính sách thiết thực để đồng bào an cư lạc nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững.
Thói quen và tập tục của người Mông
Dân tộc Mông ở Thanh Hoá có 2.361 hộ với 14.917 người, sinh sống ở 46 bản làng, 6 xã, 3 huyện: Quan Hoá, Quan Sơn và Mường Lát. Người dân tộc Mông di cư vào Thanh Hoá khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX từ các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Người Mông ở Thanh Hoá phân thành hai nhánh là Mông đen và Mông hoa. Họ chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa trên nương rẫy, các loại cây trồng ngoài cây lúa còn có một số loại cây như sắn, ngô, khoai, đậu tương, mì… Nghề lúa nước ít có điều kiện khai hoang và phát triển, một số ít sống bằng nghề thủ công, đan lát và nghề chăn nuôi với hình thức chăn thả. Dân tộc Mông nổi tiếng về nghề rèn, đúc, đan lát, dệt vải và người Mông còn có thể khoan và tự làm nòng súng; nghề làm đồ trang sức như vòng đeo cổ, khuyên tai, nhẫn của người Mông cũng đạt đến mức kỹ thuật cao.
Trong cộng đồng người Mông, người già, người có uy tín trong bản làng có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng đạo đức xã hội cũng như giải quyết tất cả những việc liên quan đến bản, làng và dòng họ. Gia đình người Mông có truyền thống hoà thuận, yêu thương, ít có trường hợp vợ chồng ly dị, bỏ nhau. Trong dòng họ, ông trưởng họ là người quyết định tất cả mọi việc của dòng họ, là người đại diện cho tiếng nói của dòng họ hoặc một gia đình nào đó trong dòng họ khi có việc lớn. Chính vì vậy, khi ông này quyết định việc gì, dù có bất lợi, phản khoa học thì mọi người cũng phải nghe theo. Các phần tử xấu tuyên truyền, chống phá hoặc truyền đạo trái phép luôn muốn tiếp cận, nhồi nhét những tư tưởng không tốt, nếu những trưởng họ không có lập trường sẽ rất dễ ngã theo.
Tập tục bắt vợ, lấy chồng sớm khiến nhiều thiếu nữ đã phải làm mẹ
Được sự dẫn đường của cán bộ xã Tam Chung, chúng tôi tìm tới bản Suối Lóng, xã Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa). Vượt qua rất nhiều đường đồi, núi bị chia cắt bởi sông suối, những căn nhà vách đất nằm cheo leo trên những ngọn núi cao dần hiện ra. Suối Lóng có 74 hộ đồng bào dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Giao thông đi lại khó khăn, không điện lưới quốc gia, những đứa trẻ với khuôn mặt lem luốc, nheo nhóc. Đói nghèo, đẻ nhiều, đẻ dày là thực trạng đáng buồn trong nhiều năm nay ở đây.
Trong ngôi nhà gỗ tuềnh toàng, Trưởng bản Suối Lóng Giàng A Lâu tiếp chúng tôi với hình dáng khắc khổ. Ông kể: Những năm 90 của thế kỷ trước, với tập quán du canh, du cư, một nhóm người Mông ở Sơn La rủ nhau đến vùng đất mới để tìm kế sinh nhai, bởi vùng đất cũ khô cằn, đất đai chẳng còn khai thác được nữa. Nhóm người cứ đi hết ngọn núi này sang ngọn núi khác và dừng chân ở những ngọn núi còn nhiều cây rừng, nhiều chim thú lập nên chòm bản mới. Di chuyển nhiều nhưng cuộc sống chẳng khấm khá lên được, cái nghèo, cái đói cứ đeo đẳng mãi. Mỏi gối, chồn chân nên người Mông ở bản Suối Lóng không di cư tự do nữa. Tuy nhiên, đời sống của người Mông vẫn còn nhiều khó khăn do điều kiện sản xuất, nhất là hủ tục kìm chân họ trong đói nghèo. Người Mông ở Thanh Hoá đang còn một hủ tục lạc hậu trong tang ma, đó là người chết không được bỏ vào quan tài mà để người chết nằm trên cái cáng, tượng trưng cho con ngựa đưa người chết về với tổ tiên. Mỗi khi nhà có người chết thì nhà này giết nhiều trâu, bò, lợn, gà để người chết “mang” đi theo về thế thế giới bên kia. Chính vì vậy mà bao nhiêu tài sản có được đều tiêu tán hết.
Đẻ nhiều, trẻ con người Mông gầy còm, nheo nhóc
Bố mẹ người Mông không áp đặt việc cưới xin của con cái. Nếu ưng nhau, đôi trái gái tự tìm hiểu và đến một đêm đẹp trời, người con trai đến “bắt” người con gái về nhà mình, ba ngày sau mới đem rượu, thịt đến nhà gái để làm lễ cưới. Quan niệm về cưới xin, sinh con đẻ cái thông thoáng nên người Mông đẻ rất nhiều.
Chuyện của đôi vợ chồng Sùng A Lự (38 tuổi) và Sùng Thị Ninh (34 tuổi) (xã Tam Chung, Mường Lát) thật ngao ngán. Họ có tới 6 mặt con nhưng chưa có kế hoạch dừng lại. Đông con, không có vốn sản xuất, cuộc sống của gia đình họ cứ mãi đói nghèo, quanh năm bám nương, bám rẫy mà chẳng đủ ăn, hằng năm vẫn phải trông chờ vào số gạo hỗ trợ của Nhà nước. Cuộc sống khó khăn, vất vả, trông họ già hơn rất nhiều so với tuổi của mình. Khi được hỏi tại sao nhà nghèo mà đẻ nhiều thế, chị Sùng Thị Ninh nói: "Chồng bảo đẻ thì đẻ thôi, không nghe lời chồng thì nó lại không thương mình nữa".
Có an cư mới lạc nghiệp
Theo kết quả khảo sát, từ đầu năm 2014 đến tháng 10/2014, Mường Lát có 33 hộ với 173 khẩu di cư tự do đến các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc và sang Lào, so với cùng kỳ năm 2013 tăng 19 hộ/91 nhân khẩu. Số hộ di cư đến là 4 hộ/14 khẩu.
Thực tế cho thấy, việc di cư tự do là vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho quản lý nhân khẩu, tiềm ẩn nhiều vấn đề về an ninh, trật tự, phá rừng… Tuy nhiên, do phong tục tập quán vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của không ít người, khi điều kiện sống ở vùng đất cũ không còn, tài nguyên cạn kiện, một số phần tử xấu lôi kéo, mua chuộc, họ lại lên đường đi tìm miền đất mới.
Cán bộ xã xuống hướng dẫn người Mông chăn nuôi, phát triển kinh tế
Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Lát Lò Văn Tuấn cho biết: Ngoài việc thực hiện đầy đủ các chính sách về an sinh xã hội, huyện đặc biệt chú trọng việc hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Riêng dự án ổn định đời sống đồng bào Mông ở Mường Lát được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện từ quý IV năm 2007 với tổng mức đầu tư 291,5 tỷ đồng, tập trung vào các nhiệm vụ chính như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực.
Đến nay, 48 công trình đã được ghi vốn đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư là 278,413 tỷ đồng và đã có 14 bản có đường giao thông đến bản; 7 bản có điện hạ thế; 7 bản có nước sạch sinh hoạt; 6 bản được quy hoạch, sắp xếp lại dân cư; 7 bản có nhà lớp học và nhà ở giáo viên, khai hoang được 97ha đất canh tác nông nghiệp, góp phần vào sự phát triển đi lên của huyện Mường Lát. Tuy nhiên, tình trạng một số người dân vẫn còn tư tưởng “nay đây mai đó”, không chịu khó làm ăn, gây không ít khó khăn trong quản lý của địa phương. Đầu tháng 8/2014, có ba trường hợp bản Sài Khao, xã Mường Lý di cư sang Lào. Ở Mường Lý, nhiều hộ đã bán tài sản, có ý định di cư đi các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc, sang Lào… Những trường hợp nêu trên cho thấy, để hạn chế tình trạng di dân tự do hiện nay ở Mường Lát vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Để hạn chế, khắc phục tình trạng di dân tự do, giúp đồng bào Mông gắn bó với mảnh đất hiện tại, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn. Trong đó, phải xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, đẩy mạnh chủ trương xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân để họ an cư lạc nghiệp. Chính quyền địa phương cần phải sâu sát hơn, giáo dục ý thức cho người dân không bỏ làng bản, quê hương; vận động người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các phần tử xấu lôi kéo, xúi giục, kích động, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, tự do tín ngưỡng để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Phải coi trọng và phát huy vai trò hạt nhân chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, đội ngũ cốt cán, già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong việc vận động và hướng dẫn đồng bào các dân tộc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của địa phương.